Mỗi người khiếm thị có thể trở thành một mắt xích trong khâu sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ lục bình

Đầu tháng 6/2021, những hội viên khiếm thị tại Hội Người mù (HNM) huyện Quảng Điền rộn ràng đến lớp để học nghề đan giỏ xách bằng cây lục bình. Đảm bảo giãn cách, mỗi lớp chỉ tối đa 20 học viên nhưng không khí vẫn vui vẻ. Các học viên được tập phân loại, sơ chế và biến lục bình thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo.

Lớp học tại Quảng Điền là hoạt động giảng dạy mở đầu cho kế hoạch đào tạo nghề do Công ty TNHH Tổng hợp Hướng Việt phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người mù (thuộc HNM tỉnh) thực hiện. Đến nay, trên địa bàn tỉnh, 140 học viên và người nhà đã được tiếp cận nghề mới mẻ này. Bà Trương Thị Thắm, Giám đốc công ty cho biết: “Sản phẩm làm từ lục bình rất đa dạng với nhiều ưu điểm như bền, đẹp, thân thiện với môi trường. Được các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Canada ưa chuộng, ngoài giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn, đây cũng là cơ hội để người khiếm thị và gia đình tìm được việc làm phù hợp với mức thu nhập trung bình từ 3 triệu đồng/người”.

Ưu điểm của nghề nằm ở sự đa dạng trong cách đan mỗi sản phẩm. Tùy mục đích sử dụng và mẫu mã, mỗi người thợ đều có thể trở thành một mắt xích trong chuỗi công đoạn để tạo ra giỏ, mũ, túi xách, sô pha… Chị Nguyễn Thị Thúy, giáo viên phụ trách đào tạo nghề đan lục bình cho biết: “Đan lục bình không quá khó. Với người khiếm thị, để thuận lợi có thể kết hợp với người sáng trong khâu chọn lọc, phân loại lục bình (rất phù hợp khi người khiếm thị làm cùng gia đình). Về phần đan, những bước đan căn bản khá dễ học, thường sau một tuần thì người học có thể thành thục các bước đan, mối nối cho đến khâu tạo hình một sản phẩm căn bản”.

Mày mò với nguyên liệu mới lạ, chị Trần Thị Mỹ Lài, học viên lớp đan lát kiên nhẫn cảm nhận từng cọng lục bình. Không còn nhìn thấy ánh sáng, đôi tay cô gái 9X đảm nhận phần việc của cả mắt và tay, vuốt phẳng, quấn tỉ mỉ từng sợi lục bình vào quai giỏ. Chị nói: “Tôi học nghề massage – xoa bóp phục hồi sức khỏe nhưng do tình hình dịch bệnh, công việc không mang lại thu nhập. Việc học đan lục bình vừa giúp tôi tranh thủ giai đoạn rỗi rãi, vừa có thêm nghề tay trái”.

Nỗ lực của chị Trần Thị Mỹ Lài là nỗ lực chung mà chúng tôi cảm nhận được trong lớp học đan lục bình. Mỗi học viên đều có khiếm khuyết về thị lực nhưng rất kiên nhẫn để tập tành nghề mới. Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch HNM tỉnh cho biết, trong thời gian qua, Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người mù đã tổ chức hàng chục lớp dạy nghề và nâng cao tay nghề. Hơn 1.500 hội viên, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh cũng như các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã được hưởng lợi từ các lớp học này.

Riêng năm 2021, được sự giúp đỡ của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trung tâm đã mở bốn lớp dạy nghề lưu động tại thị xã Hương Trà, huyện A Lưới, Phú Vang và Phong Điền. Ngoài ra, ba lớp tập huấn kỹ năng cơ bản sử dụng điện thoại thông minh cũng được triển khai, tạo điều kiện cho hơn 70 học viên tiếp cận với công nghệ. “Trong tình hình khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc tiếp cận một ngành nghề mới sẽ mở ra cơ hội cho học viên khiếm thị nâng cao kỹ năng, tạo ra thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống”, đại diện HNM nói.

Sau khóa học, các học viên được cung cấp nguyên vật liệu để sản xuất giỏ xách, quan trọng đầu ra sản phẩm sẽ được Công ty TNHH Tổng hợp Hướng Việt bao tiêu để xuất khẩu sang Canada, Trung Quốc, Nhật Bản. Hiện nay, Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người mù đã và đang phối hợp để mở rộng quy mô dạy nghề tại các huyện, thị trên địa bàn tỉnh, từ đó giúp hội viên khiếm thị phát triển kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM