Theo Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, 73% người dân hiện đang truy cập tin tức qua điện thoại thông minh. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Bên cạnh đó, phần lớn người dân muốn các tổ chức truyền thông phải công bằng và khách quan. Niềm tin vào tin tức đã tăng lên trong đại dịch, đặc biệt là ở khu vực Tây Âu.
Trong "Báo cáo Tin tức Kỹ thuật số" thường niên của mình, Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters cho hay, phần lớn người dân trên khắp các quốc gia tin rằng, các hãng tin tức nên phản ánh nhiều cách nhìn và cố gắng trung lập.
Phiên bản lần thứ 10 của báo cáo tiết lộ những hiểu biết mới về mức tiêu thụ tin tức kỹ thuật số dựa trên một cuộc khảo sát của YouGov, được thực hiện trên hơn 92.000 người tiêu dùng tin tức trực tuyến tại 46 thị trường, bao gồm Australia, Ấn Độ, Indonesia, Singapore, Thái Lan... 46 thị trường này đại diện cho hơn 1/2 dân số thế giới.
Ông Rasmus Nielsen, Giám đốc Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters nhận định: “Đã có sự đánh giá cao hơn về những tin tức đáng tin cậy. Rất rõ ràng trong nghiên cứu của chúng tôi, ở quốc gia này hay quốc gia khác, ở nhóm tuổi này đến nhóm tuổi khác, phần lớn muốn báo chí cố gắng trung lập".
Trong số những phát hiện quan trọng, sự tin tưởng vào tin tức đã tăng trung bình 6 điểm phần trăm trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Điều này đã làm đảo ngược sự sụt giảm niềm tin trung bình gần đây (ở một mức độ nào đó), và nâng mức độ tin tưởng trở lại mức được ghi nhận hồi năm 2018. Trong cuộc khảo sát, Phần Lan tiếp tục là quốc gia có mức độ tin tưởng tổng thể cao nhất (ở mức 65%), và Mỹ hiện có mức thấp nhất (29%).
Ngoài ra, tổng cộng 45% người dân Singapore khẳng định, họ tin tưởng vào tin tức; so với 41% ở Malaysia, 39% tại Indonesia, 40% ở Hồng Kông (Trung Quốc), và 43% tại Australia.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghệ đang tăng tốc đồng nghĩa rằng, 73% người dân hiện nay truy cập tin tức qua điện thoại thông minh, tăng từ mức 69% vào năm 2020, khi nhiều người sử dụng các mạng truyền thông xã hội hoặc những ứng dụng nhắn tin để xem hoặc thảo luận tin tức. Đáng chú ý, mạng truyền thông xã hội TikTok hiện đạt 24% người dưới 35 tuổi, với tỷ lệ thâm nhập cao hơn ở khu vực châu Á và châu Mỹ Latin.
Cũng trong báo cáo nói trên, Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters nhận thấy, mức tiêu thụ tin tức chính thống gia tăng, đặc biệt ở các quốc gia có "phương tiện truyền thông dịch vụ công độc lập và mạnh mẽ"; tuy nhiên, các phương tiện truyền thông in ấn vẫn đang trong tình trạng sụt giảm nghiêm trọng, và trở nên tồi tệ hơn bởi tác động đến doanh số và doanh thu quảng cáo do đại dịch COVID-19 gây ra.
Trong khi đó, sự tin tưởng vào tin tức được chia sẻ trên mạng xã hội vẫn ở mức rất thấp, chỉ ở mức 24%. Mối lo ngại về thông tin sai lệch tăng dần, mặc dù báo cáo ghi nhận tỷ lệ rất khác nhau giữa các quốc gia, từ 82% tại Brazil đến 37% ở Đức.
Được biết, Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters là một trung tâm nghiên cứu tại Đại học Oxford (Vương quốc Anh), đơn vị theo dõi các xu hướng truyền thông.
Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters & Straits Times)