Trách nhiệm là việc phải làm hoặc phải nhận về mình những công việc được giao và phải làm tròn, nếu làm không tốt thì phải chịu trách nhiệm.

Những người sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm là người thoái thác, lẩn tránh nhiệm vụ theo chức trách được giao.

Trong các cơ quan, đoàn thể hay tổ chức, bất cứ ai dù ở vị trí nào đều gắn với từng phần việc, những nhiệm vụ cụ thể được giao. Đó còn gọi là trách nhiệm công vụ hay nói cách khác là chức trách, nhiệm vụ phải làm. Suy cho cùng thì đó là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao trong lãnh đạo, quản lý cơ quan công vụ, tổ chức xã hội. Trách nhiệm đó đòi hỏi mỗi người phải thực hiện hoàn thành, thực hiện đến cùng, không được thoái thác, bỏ bê hay né tránh, “dễ làm khó bỏ”.

Bệnh trốn tránh trách nhiệm có nhiều dạng khác nhau, mỗi người, mỗi trường hợp có những hình thức khác nhau. Cấp dưới thì biểu hiện đùn đẩy, tránh việc nặng, giành việc nhẹ, không muốn đi xa...

Với cán bộ có chức vụ, vào những dịp chuẩn bị bầu cử, bỏ phiếu quy hoạch, bổ nhiệm những người có trong “tầm ngắm” sợ xảy ra tai tiếng, sợ mất phiếu nên “né” những công việc mà họ không chắc thành công hoặc dễ bị đụng chạm. Những công việc thuộc chức năng phải làm nhưng cố tình kéo dài khi thấy không có lợi cho cục bộ, cho cá nhân. Hiện tượng đó còn gặp phải ở những cán bộ lãnh đạo đùn đẩy không tiếp dân, không gặp gỡ, đối thoại với công dân vì sợ không giải quyết được, sợ bị “vạ miệng”.

Hay như quy định người phát ngôn cho báo chí, trả lời công luận nhưng cán bộ có thẩm quyền không trả lời kịp thời, đúng quy định gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến chỉ đạo chung. Nhiều công việc đáng ra phải được chủ động giải quyết từ cơ sở, nhưng cấp dưới không chủ động mà dồn lên cấp trên, thậm chí những việc trong thẩm quyền nhưng lại chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Gần đây, có các vụ án về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.  Nguyên nhân chính là do lãnh đạo quan liêu hoặc làm ngơ để rồi khi có “hậu quả” mới nhận ra trách nhiệm, thì đã muộn. 

Nhiều cơ quan có chức năng nhưng không chịu làm hoặc “đẩy” trách nhiệm lên trên, “đùn” công việc xuống dưới, trở thành một cấp trung gian không thực hiện đúng chức năng. Cho nên, cần tránh tình trạng cứ làm “công điện” hoặc “ý kiến chỉ đạo” chuyển xuống cấp dưới hoặc “đề xuất”, “xin ý kiến chỉ đạo” của cấp trên. Xem như xong, không cần biết công việc đó đi đến đâu, làm được hay không.

Để chấn chỉnh tác phong “đá” công việc cho người khác, “chuyển” cấp trên chỉ đạo hoặc “đè”cho cấp dưới phải làm, hệ thống quản trị Nhà nước phải quy định rõ, nghiêm, quy trách nhiệm đúng đối tượng, ai cũng phải làm tròn bổn phận của mình.

Bên cạnh đó, phải xây dựng nếp cảm xúc vui hay buồn của cán bộ công chức đối với công việc, xem đó là lương tâm, danh dự khi hoàn thành hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.

Tinh thần “6 dám” của cán bộ, đảng viên được xác định trong Đại hội 13 của Đảng phải được thực hiện sâu rộng, trong đó “dám làm, dám chịu trách nhiệm” phải được đặt lên trên hết. Cùng với đó, cần có cơ chế khuyến khích, bảo vệ những người dám mạnh dạn cải tiến, áp dụng khoa học kỹ thuật vì lợi ích chung. Đổi mới về đánh giá cán bộ, thi đua khen thưởng, kỷ luật; xóa bỏ hình thức đánh giá chung chung; chống tư tưởng tiêu cực: “Làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai” trong một bộ phận cán bộ.

Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ sau khi kiện toàn (4/2021), Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Phải khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh trong thực thi công vụ; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”. Cũng có nghĩa là phải tạo được cơ chế dân chủ đi đôi với kỷ cương, hành động hiệu lực, hiệu quả, tinh thần nêu gương của cán bộ, công chức, người lãnh đạo trong thực thi công vụ.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH