Cán bộ tín dụng theo sát hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân

Anh Nguyễn Quang Hoàng, xã Thủy Thanh (Hương Thủy) trước là lao động tự do, thu nhập bấp bênh. Dù đã có nghề trong tay, nhưng không có vốn nên anh vẫn mãi “đu bám” làm thuê.

Đến năm 2018 qua các kênh thông tin từ người thân, anh tìm đến tổ tiết kiệm vay vốn của thôn nhờ hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế. Sau đó, anh được vay 50 triệu đồng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách thị xã chuyển sang NHCSXH để đầu tư mở xưởng cơ khí, làm cửa nhôm Xingfa. Sau một thời gian mở xưởng, kinh tế gia đình tạm ổn định, các đơn đặt hàng cũng đều đặn hơn, tạo được việc làm, thu nhập thường xuyên cho anh và cả gia đình.

Nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp phương thức trả tiết kiệm phù hợp, vì thế, gia đình anh vừa có thể tích góp trả tiền dần vừa tích lũy vốn để mở rộng sản xuất.

Anh Hoàng là một trong rất nhiều hộ khấm khá lên nhờ nguồn vốn của NHCSXH. Tuy nhiên, nguồn vốn của một số chương trình, nhất là chương trình cho vay để giải quyết tạo việc làm khá eo hẹp, chưa thật sự đáp ứng hết nhu cầu của người dân.

Ông Châu Đình Ngữ, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Hương Thủy cho biết, hiện nay, nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được cân đối từ nguồn vốn ngân sách Trung ương khá đảm bảo. Trong khi đó, một bộ phận nằm ngoài đối tượng chính sách trên lại đang gặp khó do thiếu vốn sản xuất, nhưng nguồn vốn từ chương trình vay vốn tạo việc làm lại khá eo hẹp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người lao động trên địa bàn.

Số liệu của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội thị xã Hương Thủy, trên địa bàn thị xã hiện có 815 lao động đang thất nghiệp, trong đó 138 lao động đã từng làm việc; 677 lao động chưa từng làm việc. Hơn 1 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lao động mất việc tăng lên tạo áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp cũng như lãnh đạo địa phương.

Trước khó khăn trên, Ban Thường vụ Thị ủy Hương Thủy đã có phiên họp thống nhất giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ tạo việc làm, xuất khẩu lao động và phát triển kinh tế cho người lao động trên địa bàn. Theo đó, UBND thị xã Hương Thủy sử dụng nguồn vốn ngân sách ủy thác cho NHCSXH thị xã để cho vay giải quyết việc làm. Trong đó, năm 2021, thị xã sẽ ủy thác sang NHCSXH 5 tỷ đồng nhằm hỗ trợ tạo thêm việc làm cho 677 lao động.

“Để phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ nguồn ngân sách địa phương, NHCSXH thị xã Hương Thủy đã áp dụng thủ tục, quy trình và sản phẩm cho vay theo quy định hiện hành của NHCSXH. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với  các cơ quan chức năng làm tốt công tác điều tra, rà soát, xác định đối tượng vay vốn để các hộ sản xuất, kinh doanh được thụ hưởng kịp thời. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích để nâng cao hiệu quả kinh tế, phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp hội, đoàn thể và các tổ tiết kiệm và vay vốn trong việc thực hiện ủy thác vốn tín dụng chính sách”, ông Châu Đình Ngữ khẳng định.

Sau hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, tổng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách thị xã sang NHCSXH thị xã là 7,2 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Hoàng Anh