Về quê gần bảy chục cây số không đáng ngại, cái chính là anh sợ bơ vơ nơi quê xa, đến bà con gia tộc còn chưa nhớ hết và xưng hô lắm khi sai cả ngôi thứ. Và hơn hết, sự mặc cảm cứ đeo lấy chân anh khi cất bước về làng, cứ mơ hồ sợ ai đó hỏi nghề nghiệp. Người quê lên phố học hành, lao động, có khi bắt đầu bằng nhặt ve chai, bán vé số hay bưng bê, móc cống… rồi thành đạt, thành danh. Còn anh - một thợ xây, học hành lôm côm từ phố về quê, cứ như đi ngược lại đám đông thì có gì đáng để “vinh quy”? Tuy nhiên, những lần về quê một mình, không còn ông nội ra ngõ đón như ngày nào vẫn cho anh ấm lòng.

Ông Năm Dinh ở đầu xóm thường là người đầu tiên đón anh về quê; thoáng thấy bóng là đưa tay ngoắc rối rít: “Vào đây đã!”. Liền đó, ông vội lau bàn ghế đầy bụi, lại tất tả đi lấy nước uống rồi vào buồng thay quần dài, áo cổ bẻ. Nghe anh ngăn “bác cứ quần đùi áo lót cho mát”, ông tươi cười: “Khách quý mà”. Thịnh tình người bác họ dành cho đứa cháu thợ xây khiến anh ái ngại bởi nghĩ mình không đáng được như thế. Thấy ai đi ngang ngoài ngõ, ông cũng kêu vào, giới thiệu người kia rồi chỉ vào anh: “Đây là Chiến, cháu nội cụ Ba Cận”. Lắm người không biết anh nhưng nghe nhắc “cháu nội cụ Ba Cận” thì đột nhiên hồ hởi, cứ như người thân. Danh tính ông nội như bảo đảm cho họ có cơ sở để cảm tình với đứa cháu.

Nhắc đến ông nội anh, ông Năm Dinh lại bồi hồi với chuyện dài miên man. Đã có lần ông chỉ ba chữ Nho sơn son thếp vàng trên tấm biển màu đỏ, treo trang trọng trước bàn thờ: “Chữ ông nội cháu cho đấy”. Anh ngơ ngác: “Chữ gì vậy, bác?” Chủ nhà giảng giải: “Ông cháu bảo, đó là chữ KHÔI TIÊN TỰ được lấy trong câu ‘khôi tiên tự tử chấn gia thanh’; nghĩa là giữ gìn giềng mối tổ tiên, con cháu làm rạng danh nếp nhà”. Gia chủ rót thêm trà cho khách, vẫn ngước nhìn dòng chữ trên cao: “Bác thường bảo con cháu, đó là chữ của người Hán tự Quốc ngữ kiêm thông cuối cùng của làng mình đấy”. Chuyện trò xa gần một hồi rồi ông kể về con cháu, cậu là kỹ sư xây dựng, cô là bác sĩ ở bệnh viện trung ương, người khác là giáo viên ở cạnh nhà.

Vẻ hào hứng của ông Năm Dinh khiến anh chạnh lòng, nhớ ông nội. Hồi nhỏ, mỗi lần anh theo bố mẹ về quê, đều đem theo vở để ông xem. Ông chỉ cho cháu từ chấm phẩy đến nét chữ rồi lỗi chính tả hay dùng dấu hỏi ngã sao cho đúng. Ông nâng niu, cất giữ cả những quyển vở lớp một đã quăn góc hay cái cặp đứt quai, dính đầy mực của cháu. Lâu lâu không thấy cháu về, ông lại điện hỏi thăm, đúng hơn là hỏi thăm việc học. “Cố mà học, con ạ” - chẳng nhớ đã bao lần ông nói với anh câu đó. Những khi anh đạt học sinh tiên tiến, ông không chờ cháu về quê mà lên nhà trao quà rồi nhìn mãi tên cháu trên tờ giấy khen. Nhưng rồi niềm vui của ông đã không trọn vẹn.

Ông Năm Dinh không để ý vẻ buồn của khách, vẫn say sưa kể về người đã khuất. Ông bảo, cụ Ba Cận quý sự học lắm, đứa nào trong xóm học giỏi hoặc chớm bỏ học, cụ đều đến nhà động viên; cũng từ sáng kiến của cụ mà gia tộc Nguyễn Quý là dòng họ đầu tiên trong vùng lập quỹ khuyến học. Chủ nhà hoài niệm bâng khuâng: “Đám trẻ trong làng thuộc thế hệ của bác biết chữ cũng nhờ ông nội cháu…”. Ông chớp mắt, nhìn ra đồng lúa xanh non dưới nắng sớm rồi xoay người chỉ chiếc ghe gác trên giàn chuồng trâu ở góc vườn: “Ông nội cháu cùng chiếc ghe kia đã đưa bác và những người bạn đến với chữ nghĩa đấy. Trước ngày cụ khuất núi, bác xin chiếc ghe ấy để lưu nhớ một thời…”.

Xa xưa vọng về khiến ông Năm Dinh ngồi lặng lúc lâu rồi bảo, vùng này trũng, ngày xưa chưa có hồ tích nước ở thượng nguồn, cũng chưa có đê ven sông nên mưa hai ngày là lụt, cả làng lút, nước lại chậm rút, lắm khi lũ lụt chồng lên nhau. Bởi vậy ghe là phương tiện đi lại chủ yếu. Là người chuyên đưa khách qua sông ở Bến Bằng, ông nội anh đặt ra quy ước - ưu tiên học sinh đi trước để kịp vào lớp, đồng thời miễn phí cho bọn nhỏ. Dù sáng sớm, giữa trưa hay tối mịt, cứ nghe đám học trò gọi đò là cụ có mặt. Dù mưa trắng trời ngập đất, dù nước khỏa sông băng đồng nhưng cụ vẫn mang áo tơi, cầm mái chèo, đưa bọn nhỏ tới lớp. Cũng với chiếc ghe ấy, cụ chèo quanh làng khi lụt lớn, ai chới với kêu la trong biển nước là cụ ứng cứu ngay.

Khác với ông Năm Dinh, bà Bảy Miên ở cuối xóm hay kể về bà nội anh. Người đàn bà luống tuổi ấy nhớ từng tiểu tiết trong chuyện xưa. Bà bảo, nhớ nhất là những lần đến nhà bà nội anh mượn lúa khi giáp hạt. Lúc đong cho mượn, cụ đổ ang lúa cao có ngọn nhưng khi được trả thì gạt sát miệng ang, đồng nghĩa luôn nhận phần thiệt về mình và mở lượng hải hà với kẻ khó. Không chỉ mượn thóc lúa, nhiều người còn mong được ông bà kêu làm công bởi nhà có nhiều ruộng. Hồi đó, công xá rẻ mạt, làm giùm để được bữa cơm không, có cá canh đã là quý, nhưng với bà nội anh thì hơn thế. Cụ không những lo cơm nước tươm tất mà còn chấm công để ngày tám tháng ba kêu người làm xách thúng tới đong cho vài ang gạo, ngày tết lại cho mấy thước đũi tự dệt. Ngày bà mất, từ cụ già lưng còng tới đứa bé lững chững đều đi đưa, dòng người tiễn biệt dài hàng cây số. Người kể đưa mắt nhìn những bia mộ thấp thoáng trên trảng cát phía xa xa, giọng chợt buồn: “Cụ mất đã lâu nhưng người làng vẫn nhớ”.

Chuyện về ông bà nội khiến anh hổ thẹn khi ngó lại mình. Hơn cả nỗi buồn là nỗi đau bởi anh đã phụ kỳ vọng của ông bà. Trò chơi điện tử cùng sự rồ dại thời tuổi trẻ khiến anh rẽ vào ngõ hẹp trước đau buồn của người thân. Thi rớt đại học rồi nghỉ học luôn, anh không dám về quê bởi biết ông bà buồn lắm. Sau những ngày lông bông và bu bám bố mẹ, với niềm vui thoáng qua và buồn chán dài ra, anh tự quyết với nghề thợ xây.

Ra đi từ sáng sớm trong cái ngáp dài ngái ngủ và trở về lúc đêm muộn trong dáng liêu xiêu là hình ảnh quen thuộc của anh. Về nhà, anh hầu như chỉ tắm, ngồi vào mâm cơm rồi leo lên giường, cầm lấy điện thoại. Đã thế, việc nhà dồn lên đôi vai gầy của mẹ và đôi tay tất bật của vợ. Với anh, ở nhà mình chắc cũng không hơn nhà trọ là mấy. Vợ anh hay kích: “Con được mấy tháng hay đã biết làm gì, chắc anh chẳng hay?” hoặc: “Có lẽ anh ham điện thoại hơn vợ con!?”. Mẹ anh lại trách: “Bố cứ hỏi con trai đâu mà hai ngày rồi chẳng vào phòng bố?”. Khi khác, bà bực mình nói thẳng:“Bảo con thay cái đèn hỏng, cái vòi nước hư không được, chiều nay mẹ phải nhờ ông Đạt”. Sự vô tâm đến hững hờ với chính mình đã khiến anh mất dần trong người thân, riết rồi họ chẳng trách và cũng chẳng trông mong gì nơi anh.

Sự thay đổi của anh bắt đầu từ việc không còn ngần ngại khi về làng. Sự mở lòng của người quê đã cho anh cảm thấy quê xa càng lúc càng gần.“Vốn là kẻ lạ nhưng sao được tiếp đón niềm nở đến vậy” - không ít lần anh tự vấn; rồi nghiệm ra rằng, sự ưu ái người ta dành cho đứa cháu lại bắt nguồn từ chính ông bà. Cứ nghe giới thiệu “cháu nội cụ Ba Cận” là người làng lại hồ hởi giang tay đón anh. Anh cảm thấy lòng nhân hậu của hai cụ trường tồn hơn sự hữu hạn của đời người; nó còn cho con cháu được yêu thương. Anh xót xa nghĩ, lúc sinh thời ông bà buồn vì đứa cháu khó bảo nhưng khi thác đi vẫn để lại phước ấm cho cháu con… Cứ nghĩ lan man như thế nên anh đi nhanh về chậm trong những lần vô quê. Lắm hôm từ quê lên phố, anh chạy xe như trong vô thức, càng nghĩ càng thương ông bà rồi dằn vặt, trách mình. Anh bỗng nhớ câu nói của ông nội thuở sinh thời “Sống được thương không dễ nhưng để được cần rất khó”.

Lần đầu thấy chồng đi làm về sớm, tắm cho con rồi đem đồ đi giặt, vợ anh ngơ ngác. Buổi sáng dậy sớm, anh bế bố lên xe lăn đưa đi dạo phố rồi ngồi bệt trước hiên mat-xa cho cái chân bị liệt khiến người mẹ lặng nhìn, mắt vui long lanh. Cả nhà không còn phải đợi đến tối muộn anh mới về ăn cơm; vợ trẻ ngạc nhiên: “Chồng không nhậu giải mỏi nữa à?”. Anh cười cười, nói như trên ti-vi: “Đã uống rượu bia thì không được lái xe”. Đúng ngày Quốc tế Phụ nữ, hai người đẹp trong nhà thức dậy thấy lẵng hoa trên bàn, hỏi toáng lên. Anh thì ngượng ngùng: “Xin chúc mừng…”.

Mới rồi, ông Năm Dinh gọi anh về quê, bảo có việc cần. Ấy là việc đại trùng tu nhà thờ dòng họ. Ông nói từ đường gia tộc do ông nội anh đứng ra vận động tái thiết đã nửa thế kỷ; nay mối ăn sắp sụp nên phải làm lại. Ngặt là chưa có người chủ trì tính toán và giám sát thi công. Ông chia sẻ rồi ngần ngừ: “Việc này rất hợp với người đã nhiều năm làm xây dựng như cháu. Nhưng mày ở xa, đi lại nhiều cũng bất tiện, lại ảnh hưởng việc làm ăn…”. Anh nắm lấy bàn tay bậc cao niên, không chút do dự: “Chẳng sao đâu bác, nếu bà con gửi gắm, cháu sẽ cố gắng. Hơn thế, cháu rất vui khi được tham gia đại sự của dòng họ.”

Người bác tươi cười, giang tay ôm lấy đứa cháu.

NGUYỄN CẢNH TƯỜNG