Nguyễn Thị Ngọt (áo xanh - dẫn đầu) trên đường chạy
Nguồn năng lượng “chạy cùng Huế”
Thông tin Nguyễn Thị Ngọt (nickname trên facebook: Ngot Nguyen) ghi tên mình vào danh sách vài chục người ít ỏi ở Việt Nam có khả năng chạy 100km dưới 12 tiếng đã làm nức lòng những người yêu chạy bộ đường trường xứ Huế. Ngọt cũng phá kỷ lục cá nhân chạy dài của mình, từ 70km lên 100km. Đây là kết quả của quá trình tập luyện kiên trì, bền bỉ và khoa học suốt hơn 18 tháng qua, kể từ khi Ngọt bắt đầu đến với môn Marathon.
Anh Huỳnh Anh Thuận (chủ nhiệm CLB chạy bộ Hue Citadel Runners – HCR) xác nhận: “Đây là thành tích tuyệt vời nhất từ trước đến nay trong làng chạy bộ xứ Huế. Rất tự hào! Em Ngọt đã cho thấy một ý chí mạnh mẽ của người Huế trong bộ môn chạy đường trường”.
Tổng quãng đường 100km của Ngọt chính là 10 vòng chạy cung đường: Trường Tiền – Dã Viên – Đại Nội Huế. Cung đường chạy “đậm chất Huế” được Ngọt thực hiện từ 18h chiều thứ bảy (19/6) đến gần 6h sáng Chủ nhật hôm sau. Trên chặng đường đó, cô gái 26 tuổi gốc Vinh Hiền (Phú Lộc) được sự hỗ trợ dẫn tốc độ (pacer), chăm sóc dinh dưỡng, phục hồi của các thành viên hai câu lạc bộ HCR và HTC ở Huế. Trong suốt cả đêm thứ bảy, các cuộc livestream liên tục nối sóng để tường thuật chặng đường gian nan, thử thách của Ngọt. Những lời động viên của người xem càng kích thích Ngọt vượt qua những trở ngại của bản thân.
Nguyễn Thị Ngọt sau khi hoàn thành cự ly 100km
Ngọt tâm sự: “Em thật sự mệt mỏi và kiệt sức ở cây số thứ 74. Lúc đó, chân em bị chuột rút, người cứng đơ. Nhưng sau một lúc ngồi nghỉ và được chăm sóc, em đứng dậy đi bộ 5 cây số rồi bắt đầu chạy lại. Lúc này cơ thể như vừa vượt qua một trạng thái mới. Bản thân em cũng không ngờ mình lại chạy hơn 20km còn lại để hoàn thành chặng đua. Có lẽ do được chạy trên chặng đường nhiều màu xanh quen thuộc của Huế nên em được truyền thêm một nguồn sức mạnh nào đó từ dòng sông và Kinh thành Huế”.
Nữ dược sĩ mê chạy bộ
Nguyễn Thị Ngọt lập thành tích hoàn thành cự ly 100km của mình chỉ vài tháng sau khi cô tốt nghiệp hệ đại học Khoa Dược, Trường đại học Y Dược Huế. Trước đó, Ngọt đã có thời gian vừa tập chạy bộ vừa tập gym. Chính những bài tập bổ trợ ở phòng gym đã giúp cô bổ sung sức mạnh phần trên của cơ thể, giúp cô tăng cường sức chịu đựng cho những cuộc chạy đường dài trên 42km.
Chỉ đến với chạy bộ từ cuối năm 2019 cùng các thành viên CLB Hue Citadel Runners (HCR) khi tham gia giải chạy online BIDV nhưng 1 năm sau, Nguyễn Thị Ngọt đã đạt giải nhì lứa tuổi 20-30 cự ly 42km tại Giải VNExpress Marathon Huế 2020. Tiếp đến, cũng ở cự ly 42km, cô xếp thứ 8 lứa tuổi tại giải vô địch quốc gia Tiền Phong Marathon 2021 tổ chức tháng 3 vừa qua ở Pleiku. Kết quả này của Ngọt giúp cô lọt vào nhóm 200 vận động viên phong trào được mời tham dự giải Marathon Sea Games tổ chức cuối năm nay tại Việt Nam.
Cơ địa đặc biệt
Cự ly chạy 100km là cự ly khắc nghiệt nhất thuộc nội dung ultramarathon, đòi hỏi người tham gia phải có một cơ địa đặc biệt, thích nghi được quá trình tập luyện gian khổ, có hệ tim mạch và cơ bắp chịu đựng dẻo dai. Ở Việt Nam, thường chỉ có một nửa lượng vận động viên hoàn thành được các cự ly ultramarathon như 70km và 100km tại các giải chạy địa hình rừng núi (chạy trail) nổi tiếng trong nước, như Đà Lạt, Sapa, Mộc Châu. Việc một người hoàn thành cự ly dài 100km không phải là quá hiếm ở Việt Nam nhưng việc một người Huế (lại là nữ) như Nguyễn Thị Ngọt chạy xuyên đêm “nuốt trọn” 100 cây như vừa qua khiến một số người phản đối. Họ cho rằng chạy như vậy là phản khoa học, phản thể thao, chỉ có tác dụng ngược đối với cơ thể.
Tuy nhiên, khi trao đổi với TS. BS Trần Phạm Chí (Trưởng khoa Nội tiêu hóa - Bệnh viện Trung ương Huế), cũng là một runner đường trường lâu năm, người viết nhận được những thông tin hoàn toàn tích cực. Anh cho biết: “Việc hoàn thành chạy bộ 100km hoàn toàn tùy thuộc vào cơ địa mỗi người. Mỗi người có một sức chịu đựng, khả năng riêng, chứ hoàn toàn không có quy định chạy như thế nào là hại. Có người chạy chỉ vài chục mét là có hại nhưng có người chạy được cả trăm cây cũng là bình thường. Cấu trúc cơ thể và khả năng chịu đựng của mỗi người có đặc điểm riêng. Ai tận dụng được thì cứ sử dụng, chẳng có quy định riêng nào cả ở bộ môn marathon và ultramarthon. Tất nhiên, phải kèm theo quá trình luyện tập chuyên cần”.
Ngọt cao chưa tới 1m50, có dáng người thấp đậm. Hệ cơ bụng đặc biệt đã tạo điều kiện cho runner xứ Huế chịu đựng được cự ly ultramarathon.
Khi đã trở thành cái tên “hot” nhất trong giới chạy bộ Huế - người đầu tiên chinh phục cự ly 100 cây số - cô gái 26 tuổi Nguyễn Thị Ngọt đã ngay lập tức trở lại tập luyện để chuẩn bị cho các giải chạy Marathon cuối năm, đặc biệt là giải chạy Sea Games với mốc thời gian dưới 3 tiếng đồng hồ ở cự ly full marathon (42km). Ngọt chưa có ý định lập gia đình, vẫn tự lên giáo án tập luyện cho riêng mình, vẫn thức dậy sớm mỗi ngày chuyên cần tập luyện để chinh phục những cột mốc mới trên chặng đường phía trước.
Bài, ảnh: BÙI XUÂN HÒA