Dân quân huyện Phú Lộc giúp dân khắc phục hậu quả mưa bão (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Cắm chốt 

Ngay sau khi có lệnh phong tỏa, tối 9/5, 6 chốt kiểm dịch liên ngành tại thôn Phước An và Phước Lộc (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) được thành lập.

Được thông báo điều động lực lượng, nhiều chiến sĩ dân quân xã  xung phong tham gia “cắm chốt” phòng dịch.

Một trong những người có mặt ở “điểm nóng” từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên trên địa bàn đến khi được dỡ lệnh phong tỏa, chiến sĩ dân quân Lê Trung Hiếu chia sẻ: “Khi tham gia bám chốt, tôi đã xác định tinh thần, sẽ có những ca trực rất căng thẳng, vì dịch bệnh nguy hiểm, người dân sẽ hoang mang. Nhưng là chiến sĩ dân quân, lực lượng gần dân nhất, mình không xông pha vào nơi gian khó, cùng dân chống dịch thì ai sẽ làm nhiệm vụ này nữa. Đó còn là trách nhiệm, tình cảm với bà con, với quê hương mình”.

Những ngày đầu khi dịch bùng phát, địa phương bị phong tỏa, người dân không khỏi hoang mang, lo lắng. Sợ bị “cô lập”, sợ không có nhu yếu phẩm cho gia đình trong những ngày phong tỏa…; chưa quen cảnh “cửa đóng then cài”, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, nên tinh thần người dân ít nhiều ảnh hưởng.

Ngoài cử lực lượng tham gia cắm chốt 24/24, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) xã Lộc Tiến thành lập đội tuyên truyền di động và “tiếp ứng” nhu yếu phẩm ở các thôn bị phong tỏa.

Gặp chúng tôi cùng nụ cười rạng ngời, sau khi thôn được dỡ phong tỏa, người dân được thoải mái đi lại, ông Trương Thanh (60 tuổi, thôn Phước Lộc, xã Lộc Tiến) bộc bạch: Dịch bệnh đúng là ai cũng sợ, nghe trên đài báo đã sợ huống chi dịch về tận “ngõ” nhà mình. Nhưng khi có dịch, mới thực sự thấy được sức mạnh của quân và dân, chính quyền và người dân cùng chung tay thì dịch sớm được khống chế. Đúng là có anh em dân quân ở đây, người dân chúng tôi thực sự yên tâm.

Gần dân, trong dân

Là địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng do mưa, bão, đến mùa mưa, 14 hộ dân tại thôn Phú Gia (Lộc Tiến, Phú Lộc) thường bị đe dọa bởi hiện tượng sạt lở ở đèo Phú Gia.

“Khi mưa dài ngày, chúng tôi cử lực lượng nắm tình hình để kịp thời sơ tán các gia đình ở khu vực sạt lở đến nơi an toàn. Vừa sơ tán người, vừa giúp dân di chuyển đồ đạc, chằng chống nhà cửa. Để giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân, từ đầu mùa mưa, bão, Ban CHQS xã đã lên kế hoạch, nắm thông tin, chủ động trước tất cả các tình huống”, ông Nguyễn Trọng Hiếu, Chỉ huy trưởng, Ban CHQS xã Lộc Tiến cho biết.

Thiếu tá Lê Đức, Chỉ huy trưởng, Ban CHQS huyện Phú Lộc khẳng định: Lực lượng dân quân là lực lượng gần dân, ở trong dân, do đó, chúng tôi luôn tập trung xây dựng và phát triển lực lượng dân quân để tạo sức mạnh tổng hợp.

Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, Ban CHQS huyện lồng ghép, đưa huấn luyện phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, phòng dịch vào các đợt huấn luyện, để nâng cao sức chiến đấu của lực lượng dân quân. Ngoài ra, khi điều động lực lượng dân quân, chúng tôi cũng luôn đảm bảo chế độ theo quy định, đồng thời tham mưu chính quyền địa phương động viên anh em như hỗ trợ tiền trực 50-70 ngàn đồng/người/ca...

“Mình không xung kích thì ai làm”

Tất bật cùng đội ngũ phục vụ tại khung T2 (Trường cao đẳng nghề số 23) chuẩn bị bữa ăn cho người dân cách ly, chiến sĩ dân quân Phùng Hữu Tân (phường Thủy Dương, Hương Thủy) chia sẻ: Gần 1 tháng em tham gia hỗ trợ tại khu cách ly tập trung, với nhiệm vụ phục vụ hậu cần, hỗ trợ tiếp nhận công dân về cách ly… Đứng trước nguy cơ lây nhiễm, chúng em cũng không ít áp lực. Nhưng bản thân là chiến sĩ dân quân, khi xung phong nhận nhiệm vụ, em chỉ nghĩ mình không xung kích thì ai sẽ làm, đó đơn giản chỉ là trách nhiệm của những chiến sĩ “sao vuông” như chúng em. Ai cũng mong muốn góp một chút sức của mình để chung tay chống dịch.

Trong đợt dịch này, Ban CHQS thị xã Hương Thủy đã cử 22 chiến sĩ dân quân tham gia hỗ trợ tại khu cách ly T2, ngoài ra còn cử một số dân quân hỗ trợ bám chốt cùng lực lượng liên ngành tại chốt số 5 và 6 trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Theo Thượng tá Ngô Nam Cường - UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng, Bộ CHQS tỉnh, thời gian qua, lực lượng dân quân được biên chế ở các vùng, miền đã chủ động phối hợp cùng các lực lượng khác trên địa bàn giữ vững an ninh chính trị, xây dựng nền quốc phòng địa phương vững mạnh. Đồng thời, tích cực tham gia cùng lực lượng vũ trang xoá đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, làm tốt công tác dân vận cùng cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới, góp phần cải thiện nơi sinh hoạt cho đồng bào ổn định làm ăn, sinh sống lâu dài.

Thời gian tới, Bộ CHQS tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng lực lượng dân quân theo hướng “vững mạnh, rộng khắp, vững chắc”, có số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp ngày càng cao, lấy xây dựng chất lượng chính trị là chính; tổ chức biên chế tinh, gọn, chặt chẽ; trang bị vũ khí phù hợp. Quy mô tổ chức cân đối giữa các thành phần lực lượng, giữa số lượng và chất lượng phù hợp yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương. Chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng dân quân ở các địa bàn trọng điểm về quốc phòng và những địa bàn phức tạp. Coi trọng huấn luyện, diễn tập các phương án sát với thực tế địa phương để sẵn sàng phối hợp với các lực lượng xử lý kịp thời mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Sự phát triển và lớn mạnh của lực  dân quân ngày càng khẳng định rõ vai trò là “Bức tường sắt của Tổ quốc” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.

Bài, ảnh: Thảo Sáu