Áp dụng nền kinh tế tuần hoàn là có lợi cho cả công ty, doanh nghiệp, người dân và môi trường. Ảnh minh họa: Tạp chí điện tử Vneconomy

Kinh doanh như thường lệ là con đường dẫn đến thảm họa

Nếu chính phủ các nước không triển khai thực hiện một số điều chỉnh lớn đối với cách thức vận hành của hành tinh, nhiều nhà quan sát tin rằng, hoạt động kinh doanh diễn ra như thường lệ sẽ đẩy thế giới vào con đường phải đối mặt với thảm họa.

Cụ thể, khoảng 90% tổn thất đa dạng sinh học toàn cầu và căng thẳng về nước (nhu cầu sử dụng nước lớn hơn nguồn cung nước sẵn có) và một tỷ lệ lớn khí thải độc hại  - những tác nhân gây nên biến đổi khí hậu chính là hậu quả của những cách thức mà con người sử dụng và xử lý nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Trong hơn 3 thập kỷ qua, lượng nguyên liệu thô được khai thác trên toàn thế giới đã và đang tăng gấp đôi. Với tốc độ khai thác như hiện nay, cho đến năm 2060, tất nhiên con người sẽ còn khai thác một lượng lớn gấp đôi con số khổng lồ ghi nhận vào thời điểm hiện tại.

Theo International Resource Panel, một nhóm các nhà khoa học độc lập được tập hợp bởi Liên Hiệp Quốc nhận định, điều này sẽ khiến thế giới đối mặt với nguy cơ nhiệt độ tăng từ 3oC – 6oC, gây tử vong cho nhiều sự sống trên Trái đất.

Nền kinh tế tuần hoàn tức là hướng đến sự thay đổi cơ bản

Giữa lúc không có một định nghĩa thống nhất về nền kinh tế tuần hoàn, Hội đồng Môi trường Liên Hiệp Quốc năm 2019, hội nghị hàng đầu về môi trường của Liên Hiệp Quốc đã mô tả nền kinh tế tuần hoàn như một mô hình mà trong đó các sản phẩm và vật liệu được “thiết kế theo hướng có thể tái sử dụng, tái sản xuất và tái chế, hoặc thu hồi. Chính nhờ đó hướng đến đạt được mục tiêu khiến sản phẩm và vật liệu được sử dụng trong nền kinh tế càng lâu càng tốt”.

Theo kịch bản này, lợi ích có thể nhìn thấy là cần ít tài nguyên hơn, lượng chất thải thải ra ít hơn và quan trọng nhất là lượng phát thải nhà kính vốn đang gây nên biến đổi khí hậu sẽ được ngăn chặn hoặc giảm đi đáng kể.

Biến rác thải thành tiền

Càng về sau này, ở cả những nước phát triển và đang phát triển, người tiêu dùng đang nắm bắt những ý tưởng sâu xa đằng sau nền kinh tế tuần hoàn và các công ty, doanh nghiệp đã và đang nhận ra rằng họ hoàn toàn có thể kiếm thêm thu nhập, lợi nhuận từ mô hình kinh tế này. Olga Algayerova, người đứng đầu Ủy ban Kinh tế châu Âu của Liên Hiệp Quốc (UNECE) cho biết: “Việc đưa vào triển khai nền kinh tế tuần hoàn là một cứu cánh để giảm lượng Carbon trong nền kinh tế của chúng ta và điều này có thể hỗ trợ đến năm 2040 sẽ tạo nên 1,8 triệu việc làm”.

Lý giải rõ ràng hơn, ở châu Phi, có rất nhiều dự án lớn nhỏ có kết hợp các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn bằng cách sử dụng những nguồn lực hiện có một cách hiệu quả nhất có thể. Một sáng kiến nổi bật là Gjenge Makers ở Kenya. Công ty này chuyên bán gạch làm từ chất thải để phục vụ cho ngành xây dựng. Người sáng lập nên công ty - Nzambia Matee cho biết, cô đang thực sự biến rác thải thành tiền mặt. Theo Nzambia Matee, vấn đề lớn nhất mà cô phải đối mặt là làm thế nào để theo kịp nhu cầu: Mỗi ngày Gjenge Makers tái chế khoảng 500kg chất thải và có thể sản xuất đến 1.500 viên gạch nhựa mỗi ngày.

Các chính phủ bắt đầu đẩy mạnh hành động

Nhìn chung, để tiến trình thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn được diễn ra tốt đẹp, điều kiện tiên quyết là phải có sự tham gia của các nước. Gần đây, nhiều quốc gia và khu vực thường xuyên đối mặt với vấn đề sử dụng quá mức và lãng phí tài nguyên đã ra cam kết khắc phục và chuyển hóa chính sách, đường lối hành động trong tương lai.

Trong đó có thể kể đến kế hoạch “American Jobs Plan” của chính phủ Mỹ, bao gồm các biện pháp như trang bị thêm các ngôi nhà tiết kiệm năng lượng, điện khí hóa đội xe liên bang và chấm dứt ô nhiễm Carbon do sản xuất điện vào năm 2035.

Tại Liên minh châu Âu (EU), kế hoạch hành động về nền kinh tế tuần hoàn mới của EU, được thông qua vào năm 2020 là một trong những nền tảng của Thỏa thuận Xanh châu Âu đầy tham vọng, với mục tiêu đưa khu vực trở thành lục địa đầu tiên trung hòa khí hậu.

Bên cạnh đó, ở châu Phi, Rwanda, Nigeria và Nam Phi cũng đã thành lập Liên minh Kinh tế Tuần hoàn châu Phi. Trong đó liên minh kêu gọi áp dụng rộng rãi mô hình của nền kinh tế tuần hoàn trên toàn lục địa...

Mở rộng mô hình

Mặc dù nhìn thấy được nhiều lợi ích, song vẫn còn cả một quá trình dài và thậm chí vẫn còn có nhiều bằng chứng cho thấy thế giới đang đi ngược lại: Báo cáo Circularity Gap 2021, được thực hiện hằng năm bởi tổ chức Circle Economy chỉ ra rằng, ước tính tỷ lệ tuần hoàn toàn cầu chỉ ở mức 8,6%, giảm so với 9,1% ghi nhận vào năm 2018.

Nhận định về vấn đề này, bà Olga Algayerova của UNECE nhận định, Liên Hiệp Quốc đã và đang triển khai những bước đi đúng hướng, nhưng cách tiếp cận này cần được mở rộng quy mô trên tất cả các lĩnh vực. Chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là tốt cho doanh nghiệp, người dân, thiên nhiên và đây phải là trọng tâm của sự phục hồi bền vững sau dịch COVID-19.

HẠNH NHI

(Lược dịch từ UN News)