Thêm nhiều chính sách hỗ trợ NLĐ trong mùa dịch

Anh Nguyễn Văn Hạnh, cũng như nhiều công nhân khác đang làm việc tại một doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trong TP. Huế phải nghỉ việc trong mùa dịch, do công ty ngừng hoạt động. Trong khi chưa tìm được việc mới, anh cảm thấy cuộc sống bấp bênh. Thế nên, khi biết được đề xuất hỗ trợ tiền BHYT trong vòng 8 tháng, anh cảm thấy khá bất ngờ. “Tính ra, tôi sẽ được hỗ trợ 72.000 đồng/tháng, nghĩa là không phải đóng số tiền BHYT 576.000 đồng trong vòng 8 tháng. Trong lúc NLĐ khó khăn, bị mất việc, giãn việc, phải chắt chiu từng đồng để sinh sống thì việc hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) dù chỉ là vài chục nghìn hay trăm nghìn đồng/tháng cũng rất đáng quý”, anh Hạnh cho biết.

NLĐ cho rằng, bất kỳ chính sách nào mang lại thêm lợi ích cho công nhân đều được ủng hộ. Chị Nguyễn Thị Lan - giáo viên Trường mầm non tư thục Ánh Dương cho biết, gắn bó với nghề giáo hơn 5 năm, chị Lan cho hay chưa bao giờ lại khó khăn như thời gian có dịch COVID-19. “Nghỉ việc nên tôi phải chuyển hướng sang bán hàng online, thu nhập không ổn định. Trong thời gian này, nếu được miễn đóng BHYT thì đây là sự động viên, khích lệ lớn đối với người lao động”, chị Lan bày tỏ.

Hiện nay, ảnh hưởng lớn nhất là đối tượng giáo viên ngoài công lập và NLĐ ở các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ. Còn các doanh nghiệp quy mô lớn cơ bản vẫn duy trì làm việc, nếu có tạm dừng việc thì cũng chỉ 14 ngày hoặc vài ngày, khi các biện pháp y tế được áp dụng đầy đủ thì đi làm lại.

Theo nhiều doanh nghiệp, đề xuất hỗ trợ NLĐ bị mất việc vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 được miễn đóng vào Quỹ BHYT hay duy trì thẻ BHYT là rất nhân văn. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, có nhiều NLĐ bị mất việc hoặc tạm ngừng việc. Do NLĐ không được đóng BHYT bắt buộc (vì ngừng việc trên 14 ngày/tháng), nên muốn có BHYT thì NLĐ phải tham gia BHYT diện hộ gia đình. Muốn tham gia BHYT diện này NLĐ cũng  tốn tiền, chưa kể những vướng mắc, khó khăn về thủ tục và phải 30 ngày sau thẻ BHYT mới có hiệu lực. Nếu không sẽ không được tính thời gian đóng BHYT liên tục. Do đó, đề xuất duy trì hiệu lực của thẻ BHYT với NLĐ bị mất việc là cách hỗ trợ rất thiết thực.

Nhiều người cũng băn khoăn, theo đề xuất nói trên, đối tượng được hưởng chính sách này phải có thời gian tham gia BHYT đủ 2 năm liên tục trước thời điểm bị mất việc. Giả sử, NLĐ bị mất việc vào tháng 5/2021 do ảnh hưởng của COVID-19, thì phải đóng BHYT đủ từ tháng 5/2019 đến tháng 4/2021. Thực tế, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 năm 2020, nhiều NLĐ bị mất việc, giãn việc, hoặc chấm dứt HĐLĐ rồi đi tìm việc làm khác, nên sẽ khó có khả năng đóng BHYT đủ 2 năm liên tục trước thời điểm bị mất việc để hưởng hỗ trợ theo đề xuất.

Cần phải xem lại điều kiện “phải có thời gian tham gia BHYT đủ 2 năm liên tục trước thời điểm bị mất việc” mới được hưởng chính sách miễn đóng tối đa 8 tháng BHYT hay duy trì thẻ BHYT cho những NLĐ bị mất việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19. “Phải nới lỏng điều kiện thì những NLĐ thực sự khó khăn mới được hưởng chính sách theo đề xuất rất nhân văn trên”, nhiều giáo viên bày tỏ quan điểm.

Chính sách cũng chưa đề cập cụ thể đến những người mua BHYT tự nguyện. Không chỉ với BHYT, nhiều người mong muốn chính sách hỗ trợ cần xem xét, mở rộng sang cả BHXH. Nhiều lao động nhận định chính sách hỗ trợ BHYT đối với NLĐ nghỉ việc “bất đắc dĩ” vì phải tuân theo quy định chống dịch cũng có nét tương đồng nếu áp dụng với chính sách BHXH vốn được NLĐ rất quan tâm.

Trong tình thế khó khăn về thu nhập, nhiều người lao động rất cần sự hỗ trợ về bảo hiểm, nhất là BHYT. Thế nhưng, điều mà nhiều người cần hơn là thủ tục phải tối giản và hướng dẫn thật cụ thể để người lao động thực hưởng. Ngoài ra, mức hỗ trợ cũng cần có sự công bằng...

Bài, ảnh: Huế Thu