Bia đá Vũ giang thắng tích

Vườn nằm ở góc đông bắc trong Hoàng thành, phía tây giáp vườn Thiệu Phương, phía bắc giáp Hậu Hồ, phía nam là phủ Nội Vụ, phía đông là tường bên đông của Hoàng thành, tổng diện tích đến gần 5 mẫu (23.000m2).

Thời cực thịnh, vườn Cơ Hạ có hệ thống các công trình kiến trúc phong phú với đủ loại hình: điện, đình, lầu, các, trai, tạ, lang, kiều... như điện Khâm Văn, đình Vọng Hồ, lầu Thưởng Thắng, gác Quang Biểu, Minh Lý Thư trai, tạ Quang Phong, hiên Nhật Thận, cầu Kim Nghê, hồi lang Tứ Phương Ninh Mật... Trong vườn lại có cả hồ, động, sông, núi, giả sơn... khiến cho cảnh trí càng đa dạng phong phú.

Theo tài liệu lịch sử, các vị hoàng đế Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức thường xuyên đến thăm vườn và sáng tác đề vịnh thơ về vườn Cơ Hạ, riêng vua Thiệu Trị đã bình chọn và vịnh thơ về 14 cảnh của vườn Cơ Hạ. Các cảnh này đều được triều đình cho khắc vào tranh mộc bản, vẽ lên tranh gương để phổ biến, trưng bày trong các cung điện. Các bài thơ ngự chế thì được khắc vào bia đá, bảng đồng để dựng, treo tại vườn.

Thế rồi, sự khắc nghiệt của thời gian, những biến động lịch sử liên miên của kinh đô Huế từ cuối thế kỷ 19 đến thập niên 70 của thế kỷ XX đã biến một khu vườn tuyệt mỹ thành chốn hoang tàn, chỉ có gạch vụn và lau sậy. Tình trạng đó vẫn kéo dài suốt hơn 35 năm sau ngày hòa bình lập lại.

Đầu năm 2012, với quyết tâm hồi sinh vườn Cơ Hạ, tạo điểm nhấn đặc biệt trong khu vực Đại Nội trong dịp Festival Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mạnh dạn đầu tư để làm sống lại không gian khu vườn cổ. Khu vườn đã được đầu tư tôn tạo để trưng bày cây kiểng quý và tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa nghệ thuật. Từ đó, vườn trở nên nổi tiếng và trở thành một điểm tham quan rất thu hút đối với du khách. Tuy nhiên, để có thể phục hồi vườn Cơ Hạ như một di sản nổi tiếng của triều Nguyễn vẫn là một vấn đề lớn, đòi hỏi sự đầu tư nghiên cứu công phu, bài bản cùng nguồn lực rất lớn cho công tác bảo tồn.

Nguồn tư liệu về vườn Cơ Hạ đến nay vẫn còn khá phong phú, ngoài những mô tả về khu vườn này trong các sử liệu của triều Nguyễn như Châu bản, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ... thì Ngự đề đồ hội thi tập của vua Thiệu Trị là công trình đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa đối với công tác nghiên cứu bảo tồn và phục hưng di sản này. Trong bộ sách đó, 14 cảnh của vườn Cơ Hạ được vẽ chi tiết, tỉ mỉ và kèm theo mỗi cảnh là một bài thơ ngự chế của nhà vua với nội dung vừa mô tả, vừa ghi lại cảm xúc của của một nhà thơ trước những cảnh đẹp của khu vườn. Vì vậy, việc phân tích để dữ liệu hóa, mô hình hóa “Cơ Hạ viên thập tứ cảnh” là công việc cần được đặc biệt quan tâm.

(14 cảnh của vườn Cơ Hạ cụ thể là:1- Điện khai văn yến; 2- Lâu thưởng Bồng doanh; 3- Các minh tứ chiếu; 4- Lang tập quần phương; 5- Hiên sinh thi tứ; 6- Trai tả thi hoài; 7- Trì lưu liên phảng; 8- Sơn tủng tùng đình; 9- Nghê kiều tễ nguyệt; 10- Thủy tạ quang phong; 11- Vũ giang thắng tích; 12- Tiên động phương tung; 13- Hồ tân liễu lãng; 4- Đảo thụ oanh thanh).

Về góc độ tư liệu, dấu tích về vườn Cơ Hạ còn được ghi nhận trong các bức tranh gương (vẽ cảnh, đề thơ tương tự như tranh mộc bản) và bia đá (khắc bài thơ ngự chế) còn bảo tồn được cho đến nay. Về tranh gương, hiện nay tại Huế vẫn còn giữ được 4 bức với chất lượng khá tốt, trong đó hai bức tranh gương Trì lưu liên phảng và Lang tập quần phương hiện lưu giữ tại Bảo tàng Dân tộc học thuộc Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học Huế; và hai bức tranh Sơn tủng tùng đình, Hiên sinh thi tứ hiện do Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế quản lý. Về bia đá, hiện ngay tại vườn vẫn còn giữ được 3 tấm bia: Vũ giang thắng tích, Tiên động phương tung và Hồ tân liễu lãng. Nhìn chung các tấm bia còn nguyên vẹn, chữ khắc trên bia khá rõ ràng. Cả tranh gương và bia đều cùng niên đại, được thực hiện vào năm Thiệu Trị Giáp Thìn (1844). Đây là những tài liệu rất quý đối với công tác nghiên cứu, bảo tồn và phục dựng lại vườn Cơ Hạ.

Vườn Cơ Hạ đã bước đầu hồi sinh. Dẫu công tác nghiên cứu, phục nguyên di sản độc đáo này có thể phải mất nhiều năm nữa, nhưng tính khả thi rất cao do chúng ta có khá đầy đủ các nguồn tư liệu và cơ sở khoa học. Và điều quan trọng là chúng ta có khát vọng, mong ước của cộng đồng về việc hồi sinh những khu vườn thượng uyển đích thực mà Huế đã từng có. Khát vọng, mong ước ấy cũng là sức mạnh để Cố đô phục hưng các di sản văn hóa đã từng làm nên thương hiệu của mình.

Bài, ảnh: PHAN THANH HẢI