Tác phẩm trong "Điệp khúc phố" của Hoàng Đăng Khanh |
Lặng lẽ đến phòng tranh của con trai trên chiếc xe lăn, họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận tâm sự: “Tôi rất hạnh phúc khi thấy con trai dành tặng cho mình món quà ý nghĩa này”.
|
Đây là những bức tranh sơn dầu được Khanh vẽ từ ký ức tuổi thơ. Khanh chia sẻ, anh không vẽ phố Hội An, phố Bao Vinh mà là phố của ký ức. “Điệp khúc phố” là một câu chuyện đã theo Hoàng Đăng Khanh từ thời thơ ấu, bởi tuổi thơ của anh gắn liền với những bức tranh, đặc biệt là những bức vẽ về phố của bố - họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận.
Từ đó, anh nuôi trong mình niềm yêu thương, yêu mến đối với những con phố, thiên nhiên và con người. Khanh tâm sự: “Với tôi, phố không chỉ là những ngôi nhà để ở mà còn là câu chuyện gắn liền với cuộc sống của tôi. Bố tôi là một họa sĩ và ông đã gieo vào tôi tình yêu phong cảnh như yêu con người. Tuổi thơ của tôi gắn liền với những bức tranh mà bố tôi sáng tạo ra, đặc biệt là những bức tranh mà ông vẽ về đề tài phố. Trong vô thức, hình ảnh phố gắn kết tôi với quá khứ và nhờ đó, tôi thao thức và trải nghiệm với thực tại hàng ngày”.
Xem tranh của Khanh, ai từng thưởng lãm tác phẩm của họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận đều thấy bóng dáng, dấu ấn của người bố trong tranh của con trai rất rõ nét. Nhiều người cho rằng, có một người cha quá nổi tiếng thì việc bị ám ảnh, ảnh hưởng phong cách, bút pháp, ý tưởng là điều dễ hiểu. Vì thế, như một lẽ tự nhiên, xem tranh của Hoàng Đăng Khanh, người thưởng lãm cứ ngầm so sánh với tranh của Hoàng Đăng Nhuận. TS. Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế chia sẻ: “Đã lâu lắm rồi, New Space Art Foundation mới có một buổi triển lãm đầm ấm như thế, khiến người xem liên tưởng nhiều đến quá khứ với hình ảnh của Hoàng Đăng Nhuận những năm 80, 90 đã quen thuộc với công chúng Huế. Qua tranh của con trai, thấy phảng phất bóng dáng của Hoàng Đăng Nhuận. Hoàng Đăng Khanh chịu sự ảnh hưởng sâu sắc từ người cha của mình, có một sự lặp lại tương đồng với chủ đề “phố” nhưng đó là sự ảnh hưởng cần thiết, sự lặp lại rất tự nhiên. Đó như là sự tôn trọng và níu kéo hình ảnh người cha vào trong tác phẩm của mình và kế thừa trong mạch nguồn của một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Hình như Khanh muốn vậy và coi đó là một ý niệm tình cảm của mình”.
Hoàng Đăng Khanh (đứng thứ nhất từ trái sang) cùng cha - họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận (ngồi) |
Khanh bộc bạch: “Ảnh hưởng ấy là đương nhiên. Tôi có thể vẽ khác đi nhưng đây là câu chuyện, ký ức của tôi về những bức tranh của bố. Tôi muốn vẽ những ký ức từ thuở ấu thơ của mình về bố. Những bức tranh này cũng là sự tri ân đối với gia đình, bạn bè và thể hiện tình yêu với Huế - thành phố nơi tôi sinh ra và lớn lên”.
Dẫu vậy, Hoàng Đăng Khanh vẫn tạo ra phong cách riêng qua tác phẩm của mình. Khanh học tập các kỹ thuật làm nền, bút pháp tạo dựng nét của cha nhưng anh vẫn tìm ra con đường riêng của mình qua cách tạo không gian rộng lớn, bằng những mảng màu được Khanh nhấn “chói chang” hơn so với sự trầm lắng trong tranh của Hoàng Đăng Nhuận. Khanh đã tạo ấn tượng với người xem qua cách thể hiện những mặt phẳng trơn trong tranh mà người bố không có. Nếu tranh của bố nghiêng về những màu đan vào nhau, thì Khanh lại chú ý những mảng màu lớn, dùng những nét đen để xây dựng hình thể của phố...
Điều khiến các họa sĩ chuyên nghiệp thích thú khi xem tác phẩm của anh là nét hồn nhiên, không lệ thuộc vào những quy tắc, nguyên lý, cấu trúc, quy trình bắt buộc mà những họa sĩ chuyên nghiệp thường mắc phải. Xem tranh của Khanh, có thể thấy anh rất tự do, thoải mái, vẽ từ trong tâm trí, thích gì vẽ đó theo cảm nhận, xúc cảm riêng của mình.
Trang Hiền