Thừa Thiên Huế đang dốc sức để xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: T. Hương

Làm giàu hơn, phong phú hơn kho tàng lý luận của Đảng

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết nhận thức, tư duy, lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội (CNXH), về con đường đi lên CNXH ở nước ta. Với quyết tâm cùng sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, con đường đi lên CNXH của Việt Nam ngày càng rõ nét. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và Nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam”.

Trong bài viết, Tổng Bí thư đã đề cập đến CNXH với tư cách là CNXH khoa học dựa trên học thuyết Mác - Lênin trong thời đại ngày nay. Những luận điểm và phân tích trong bài viết giúp chúng ta nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta, khắc phục những cách hiểu giản đơn, giáo điều, xơ cứng, đồng thời giúp chúng ta vững tin hơn về con đường mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã lựa chọn - xây dựng CNXH ở Việt Nam trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Để từng bước xây dựng được CNXH ở Việt Nam, Tổng Bí thư nhấn mạnh đến việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành một cách đầy đủ, đồng bộ các quy luật của kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Có thể nói, đây là đột phá lý luận cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới.

Trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở nước ta, việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã khẳng định sự phù hợp, đúng đắn của nó. Nhờ đó đất nước đã có sự chuyển mình từ một nước nghèo nàn, lạc hậu trở thành một nước có thu nhập trung bình, quy mô GDP đứng thứ tư trong khu vực Đông Nam Á, duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục trong nhiều năm.

Cùng với những kiến giải sâu sắc về CNXH và con đường đi lên CNXH, Tổng Bí thư đã nêu lên những nhiệm vụ mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải thực hiện; những vấn đề phải giải quyết để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, trở thành một nước công nghiệp theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Vấn đề có tính nguyên tắc, bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững, đúng định hướng là “phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động” như Tổng Bí thư đã yêu cầu. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và hệ thống chính trị các cấp phải không ngừng trau dồi, rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh; tiếp thu có chọn lọc tri thức của nhân loại, kinh nghiệm phát triển của các nước trên thế giới để làm giàu hơn, phong phú hơn kho tàng lý luận của Đảng.

Huế được xem là thành phố xanh - sạch - sáng. Ảnh: MC

Dựa vào sức dân, huy động sức dân để làm lợi cho dân 

Suốt quá trình đồng hành cùng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế luôn sắt son một niềm tin vào Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, luôn giữ vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH.

Đảng bộ tỉnh là một trong những đảng bộ được thành lập sớm nhất trong cả nước, có bề dày truyền thống vẻ vang, bản lĩnh vững vàng, dày dạn kinh nghiệm, đã lãnh đạo Nhân dân Thừa Thiên Huế cùng với cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Từ khi thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội VI (1986) của Đảng đề ra, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, vượt qua chính mình, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đạt được những thành tựu đó là do sự kiên định vững vàng nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; sự vận dụng sáng tạo để đề ra các chủ trương, chính sách, phù hợp thực tiễn của địa phương; là sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và quan trọng nhất, đó chính là sự đồng thuận, ủng hộ, tin tưởng của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp.

Mọi công việc phải dựa vào sức dân, huy động sức dân để làm lợi cho dân là bài học không bao giờ cũ dù bất cứ thời điểm nào. Một khi ý Đảng - lòng dân hòa cùng một nhịp thì không có khó khăn, trở ngại nào không thể vượt qua.

Trong giai đoạn hiện nay, trên bước đường xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh phải luôn thấm nhuần và thực hiện được điều đó.

Chúng ta cần sự phát triển nhanh nhưng phải bền vững. Động lực cho sự phát triển nhanh phải là khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Quá trình phát triển phải bảo đảm hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Huế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại, làm cho những giá trị văn hóa ngày càng thấm sâu, lan tỏa trong mọi lĩnh vực, mọi chính sách phát triển.

Thành tựu phát triển phải cân đối, hài hòa giữa các vùng: đô thị - nông thôn - miền núi; mọi người dân đều có quyền và phải được thụ hưởng thành quả do sự phát triển mang lại, không ai bị bỏ lại phía sau. Đó cũng chính là định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển đất nước mà Tổng Bí thư đã nêu ra.

Để hoàn thành mục tiêu đó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải thực sự vào cuộc, tuyên truyền, vận động làm cho mỗi người dân hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình. Thực hiện có hiệu quả ba khâu đột phá chiến lược như Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra: Hoàn thiện cơ chế, chính sách; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà trong thời gian đến là triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đặc biệt là Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân cùng đồng hành phấn đấu từng bước xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực về văn hoá, du lịch; hoàn thiện, phát triển trung tâm y tế chuyên sâu xứng tầm quốc gia và khu vực; xây dựng, phát triển trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao của cả nước; xây dựng trung tâm khoa học - công nghệ của khu vực miền Trung và cả nước. Tiếp tục khẳng định thương hiệu Huế là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Những phong trào, cuộc vận động đã có kết quả bước đầu cần tiếp tục được duy trì, đưa vào chiều sâu và lan tỏa rộng hơn, như phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, cuộc vận động “Nói không với túi nylon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, phong trào “Sạch nhà, sạch ngõ”, xây dựng thành phố “Bốn mùa hoa”...

Nghiên cứu bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm sáng hơn, rõ hơn những nhiệm vụ cần phải thực hiện của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hoàng Khánh Hùng

UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy