Có thể khẳng định, kế hoạch thần tốc tiêm 836.000 liều vắc-xin ngừa COVID-19 được Chính phủ phân bổ tại TP. Hồ Chí Minh trong tuần qua, là đợt tiêm chủng lớn nhất, có tính chiến lược trong cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19 của cả nước.

Từ khi TP. Hồ Chí Minh xuất hiện trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 với biến chủng mới trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư này, rất nhiều người đã lo lắng, quan ngại cho đầu tàu kinh tế của cả nước này. Bởi đây là địa bàn có mật độ dân cư đông, hội tụ dân của nhiều tỉnh thành khác đến học tập, làm ăn; với nhiều cơ quan, trường học, công ty, nhà máy, khu công nghiệp… Nếu dịch bệnh ở thành phố lớn này không được khống chế, dập nhanh chóng không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế của cả nước mà nguy cơ lây lan ra ở các tỉnh thành khác rất cao.

Để triển khai chiến dịch tiêm vắc xin, thành phố đã huy động nhân viên y tế cả công lập và ngoài công lập, với gần 1.000 đội tiêm tại hàng trăm điểm tiêm trên địa bàn thành phố. Tuy tiến độ không được như mong muốn, bởi nhiều bất cập phát sinh như người dân đã tụ tập quá động tại một điểm tiêm, một bộ phận cán bộ tiêm chủng chưa thạo việc tiêm chủng trong điều kiện cường độ cao giữa thời tiết nắng nóng, hay việc di chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác quá xa... Song, đây cũng là những bài học kinh nghiệm quý cho những đợt tiêm chủng lần sau.

Cùng với TP. Hồ Chí Minh, tính đến cuối tuần qua, cả nước đã thực hiện tiêm 3.299.232 liều vắc-xin phòng COVID-19; trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 155.488 người.

Công tác triển khai tiêm vắc-xin hiện nay, bên cạnh những bất cập đang được rút kinh nghiệm, thì vẫn còn một tồn tại là tâm lý hoang mang, lo sợ của một bộ phận người dân, từ một số tai biến sau khi tiêm; hoặc có người đã tiêm nhưng vẫn bị lây nhiễm COVID-19. Thực tế đây là những trường hợp hi hữu; trong trường hợp đã tiêm vắc-xin nhưng vẫn bị nhiễm COVID-19, theo nhiều chuyên gia thì vẫn bị nhẹ hơn khi chưa tiêm...

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới thì việc tiêm vắc-xin được cho là cách dập dịch hiệu quả nhất. Nhiều nước châu Âu và một số bang của Mỹ đã nới lỏng biện pháp chống dịch cũng nhờ triển khai mạnh mẽ tiêm vắc-xin.

Tại Việt Nam, vắc-xin không có gì lạ đối với người dân. Ngay từ những năm 70, 80 của Thế kỷ trước, khi đất nước còn nhiều khó khăn, việc tiêm chủng mở rộng để phòng ngừa các bệnh lao, thủy đậu, bại liệt… đã được chính phủ quan tâm.

Hiện nay, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 trong nước đang được tiếp tục, dự kiến sẽ tiêm hơn 100 triệu liều. Song song với cuộc chạy đua sản xuất vắc-xin trong nước, Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, trao đổi, đàm phán để có các nguồn vắc-xin phòng COVID-19 nhập khẩu để đạt mục tiêu 150 triệu liều vắc-xin như Nghị quyết 21 của Chính phủ. Việc đóng góp cho Quỹ vắc-xin của Chính phủ đang được người dân và các tổ chức trong và ngoài nước tích cực ửng hộ.

Tại phiên họp trực tuyến với TP. Hồ Chí Minh và 7 tỉnh thành phố có dịch COVID-19 cuối tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần xây dựng các kịch bản chống dịch và phát triển kinh tế cụ thể để các cấp ủy, tổ chức Đảng tránh bị động, lúng túng trong mọi tình huống. Nhanh chóng phân tích rõ nguồn lây trong khu cách ly, cộng đồng, xét nghiệm nhanh hơn trong khu cách ly, phong tỏa. Thủ tướng cũng yêu cầu tốt hơn nữa chiến lược vắc-xin.

Với kinh nghiệm và tâm thế đó, chúng ta sẽ đảm bảo đủ nguồn vắc-xin để khống chế và dập tắc dịch bệnh nguy hiểm này

Đặng Thành