Người dân thôn Rú Hóp (xã Phong Bình) tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn
Ý nghĩa, thiết thực
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới đã tạo sức lan tỏa lớn ở Phong Điền, vận động người dân đóng góp được hàng chục tỷ đồng, hiến hàng chục ha đất để xây dựng nhà văn hóa, mở đường, bê tông hóa giao thông nông thôn, thắp sáng các trục đường, xây dựng đường quê “sáng - xanh - sạch”…
Rú Hóp (xã Phong Bình) là thôn nghèo, thấp trũng, hàng năm chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, lũ lụt. Đến Rú Hóp hôm nay các tuyến đường đã được bê tông hóa khang trang, ánh sáng điện đã đến từng ngõ xóm mỗi tối, bộ mặt nông thôn nay đã đổi thay.
Người dân Rú Hóp cho rằng, nếu không có tài dân vận khéo của ông Trần Văn Tiếu, Bí thư Chi bộ thôn thì người dân khó mà hiến hơn 2.500m2 đất, đóng góp gần 1,7 tỷ đồng để xây dựng cổng chào, nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình điện chiếu sáng, bê tông hóa giao thông trong thôn...
Sư cô Thích Nữ Giới Tín, Trụ trì Niệm phật đường Đông An (xã Phong An) là một trong những tấm gương sinh động về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Sư cô Thích Nữ Giới Tín thường xuyên chăm lo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài địa bàn bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Không chỉ được biết đến là người có tấm lòng nhân ái trong việc cưu mang, tiếp nhận, nuôi dưỡng 12 cháu mồ côi, không nơi nương tựa, trong các đợt dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay, Sư cô đã ủng hộ 800 khẩu trang vải, hơn 10.000 khẩu trang y tế, 150 đôi găng tay, áo quần bảo hộ và dung dịch sát khuẩn, để chung tay phòng chống dịch. Sư cô Thích Nữ Giới Tín còn là người tích cực tham gia phong trào hiến máu tình nguyện ở địa phương, trong đó đã có 23 lần tham gia hiến máu và đăng ký tham gia hiến tạng sau khi qua đời.
Sư cô Thích Nữ Giới Tín chia sẻ, bản thân xác định, việc học tập và làm theo Bác từ những điều bình dị, với phương châm sống giàu nghĩa tình - ươm trồng việc thiện, hướng tâm và phát tâm sống “Tốt đời, đẹp đạo”. Bên cạnh đó, là một công dân của đất nước, bản thân cũng ý thức rằng việc học tập và làm theo những phẩm hạnh cao cả của Bác Hồ chính là tư tưởng để cô tiếp tục trên con đường phụng đạo, giúp đời.
Học Bác không chỉ riêng ai
Để việc học và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng, liên tục, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch thực hiện chuyên đề hằng năm và chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ trực thuộc xây dựng kế hoạch thực hiện; trong đó xác định rõ nội dung công việc, phân công trách nhiệm thực hiện và thời gian hoàn thành.
Một trong những điểm nổi bật trong thực hiện Chỉ thị 05 tại huyện Phong Điền là xây dựng kế hoạch, chương trình hành động toàn khóa và hằng năm sát với thực tế, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Điểm nhấn là tập trung lựa chọn các chủ đề, chủ điểm, lựa chọn việc khó, việc mới, việc tồn đọng để ưu tiên chỉ đạo, giải quyết và thực hiện. Đối với các cá nhân điển hình, huyện, xã liên tục động viên, tuyên dương và tuyên truyền rộng khắp trong toàn huyện để nhân rộng, các cá nhân khác lấy đó làm động lực.
Ông Đoàn Kỳ Côi, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phong Điền đánh giá, những tấm gương cá nhân và tập thể điển hình trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của huyện là biểu hiện sinh động sự kính yêu Bác, niềm tin vào con đường và sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Đó là nguồn cổ vũ động viên lớn lao để Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng huyện Phong Điền sớm trở thành thị xã; góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
“Việc lãnh đạo, chỉ đạo phải trực tiếp, cụ thể, việc “học tập” và “làm theo” trên địa bàn huyện dần đi vào nề nếp hơn, mang lại những kết quả thiết thực, rõ nét ở các địa phương, cơ quan, đơn vị hơn nữa. Phải xác định học Bác là “kim chỉ nam”, không của riêng ai, khi đó mới tiếp tục lan tỏa sâu rộng nhất có thể”, ông Đoàn Kỳ Côi nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Quang Minh