Các tuyến đường trung tâm TP. Huế được nâng cấp, chỉnh trang

Cơ hội

Hương Thọ là xã bán sơn địa, nằm phía đông nam của TX. Hương Trà với diện tích đất tự nhiên 47,14 km2, dân số khoảng 5.500 người. Dù có địa hình khá cách trở, nhưng Hương Thọ lại có hệ thống giao thông khá thuận lợi. Ngoài tuyến đường phía Tây TP. Huế, trên  địa bàn xã còn có tuyến Quốc lộ 49 nối A Lưới, đường Hồ Chí Minh với trung tâm thành phố ngang qua... thuận tiện cho việc đi lại và lưu thông hàng hóa trong địa bàn cũng như đi các địa phương khác trong thị xã, tỉnh và cả nước.

Từ 1/7/2021, Hương Thọ được sáp nhập vào TP. Huế, đây được xem là cơ hội lớn song cũng đặt ra những thách thức khi điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng chưa đồng bộ như các phường trung tâm thành phố. Là địa phương thuần nông, nên việc liên kết, thu hút đầu tư để tạo ra các mô hình nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao đang được lãnh đạo xã hướng đến.

Bí thư Đảng uỷ xã Hương Thọ, ông Nguyễn Xuân Lam cho rằng, hiện các tuyến đường liên thôn, liên xã cơ bản được đầu tư hoàn chỉnh; hệ thống trường học đã và đang tiếp tục đầu tư để hoàn thành trong năm 2021. Trong đó, một số dự án (DA) đang triển khai sẽ đẩy nhanh tiến độ để kịp hoàn thành và đưa vào sử dụng sớm; các DA chưa đầu tư thì sẽ tiếp tục triển khai sau khi sáp nhập.

Để hoàn thiện hạ tầng dọc hai bờ sông Hương, tuyến đường đến điện Hòn Chén và các lăng tẩm, đặc biệt là 2 lăng Gia Long, Minh Mạng, UBND tỉnh và TX. Hương Trà đã đầu tư trên 4 tỷ xây dựng các tuyến đường, chỉnh trang cảnh quan dọc hai bờ sông Hương, điện chiếu sáng với mục đích hoàn thiện hạ tầng, kết nối với khu vực trung tâm thành phố tạo điều kiện phát triển du lịch và phục vụ nhu cầu giao thương, đi lại...

Theo Chủ tịch UBND TX. Hương Trà, ông Hà Văn Tuấn, Hương Trà có 6 phường, xã sáp nhập vào TP. Huế với diện tích 124,46 km2, dân số 57.807 người. Có 44 thôn/tổ dân phố. Cán bộ, công chức cấp xã được giao là 128 người, 32 công an chính quy; 6 trạm y tế với số lượng 30 người; 32 trường học gồm: 6 trường mầm non, 11 trường tiểu học, 6 trường THCS với số lượng biến chế được giao là 695 biên chế...

Những công trình do phường, xã làm chủ đầu tư vẫn triển khai theo kế hoạch; những công trình mới chưa đầu tư sẽ chuyển cho TP. Huế làm chủ đầu tư; các công trình do thị xã làm chủ đầu tư đang triển khai sẽ hoàn thành và bàn giao cho thành phố quản lý. Theo kế hoạch đầu tư công 2021- 2025, thị xã sẽ tách ra toàn bộ danh mục các DA nằm trên địa bàn 6 phường, xã sáp nhập vào thành phố chuyển cho thành phố tiếp tục theo dõi và bố trí nguồn lực đầu tư.

Ông Tuấn cho biết, hiện có khá nhiều DA đang đầu tư tại 6 phường, xã, trong đó xã Hương Thọ có đường cao tốc, tuyến đường vào lăng Gia Long, Minh Mạng; Hải Dương có tuyến đường ven biển qua cửa biển Thuận An; Hương Phong đầu tư hệ thống trường học, nhà văn hoá; Hương Hồ có nhiều DA điện chiếu sáng từ chùa Linh Mụ đến ngã 3 Chầm… Một số DA đầu tư để phát triển du lịch cũng đang triển khai như DA kết nối các bến thuyền dọc hai bờ sông Hương; đầu tư bến thuyền ở phố cổ Bao Vinh…

Cùng với Hương Trà, hiện TX. Hương Thuỷ, huyện Phú Vang cũng đang đẩy nhanh tiến độ các DA đã và đang đầu tư xây dựng tại các phường, xã sáp nhập vào TP. Huế, nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo sự thông thoáng và kết nối hạ tầng từ các vùng ven đến trung tâm TP. Huế.

Kết nối giao thông đô thị

Theo UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP. Huế, ông Phan Thiên Định, mở rộng TP. Huế là kết quả sau nhiều năm chờ đợi của nhiều thế hệ dựa trên nhu cầu thực tế, đó là đô thị Huế quá chật để phát triển, trong khi phải gánh vác cả sứ mệnh bảo tồn di sản và các giá trị văn hoá cùng với trọng trách phát triển kinh tế - xã hội.

Sau khi mở rộng, thành phố xác định mục tiêu, ngoài việc ổn định tổ chức, kêu gọi đầu tư để chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các xã, phường mới, nhiệm vụ quan trọng nữa là phải đảm bảo điều kiện hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin để tạo ra sự kết nối, đảm bảo quyền lợi cho người dân các xã, phường mới sáp nhập.

Trước mắt, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tập trung rà soát các xã, phường mới sáp nhập vào để định hướng đầu tư một số hạ tầng, trong đó ưu tiên cho các địa phương về hạ tầng y tế, vệ sinh môi trường, nước sạch và giao thông nội đô.

Ông Định cho biết, việc kết nối hạ tầng chung tại các địa phương đã được UBND tỉnh triển khai trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong đó bao gồm nâng cấp hạ tầng vùng lõi thành phố và các vùng lân cận, như chỉnh trang không gian hai bờ sông Hương và các công viên, điểm xanh, các tuyến đường trung tâm thành phố; xây dựng cầu qua cửa biển Thuận An kết nối Hải Dương - Thuận An; DA đường trung tâm TP. Huế về biển Thuận An… Theo đó, các DA do các địa phương làm chủ đầu tư sẽ tiếp tục triển khai đến hết năm 2021, từ 2022 thành phố tiếp tục phân bổ vốn đầu tư, trong đó sẽ ưu tiên cho các xã, phường mới sáp nhập vào TP. Huế nhằm hoàn thiện hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân thuận tiện trong vấn đề lưu thông, đi lại.

Bài, ảnh: Thanh Hương