Ảnh: vietnamnet.vn

Trở thành lực cản

“Trên nóng dưới lạnh” đang tồn tại khá nhiều trong các cơ quan công vụ. Hiện tượng đó cản trở không nhỏ hoạt động của bộ máy cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động công vụ, làm giảm niềm tin của người dân.

“Nóng” được hiểu là nhiệt tình cách mạng, hết lòng vì nước, vì dân; nhất quán trong nói và làm; làm quyết liệt hiệu quả nhưng không phải làm bốc đồng. 

“Lạnh” là hiện tượng những cán bộ làm việc theo kiểu “án binh bất động”, “nói nhiều làm ít”, làm chiếu lệ, cầm chừng, hình thức; làm thiếu nhiệt tình, trì trệ theo kiểu “sáng cắp ô đi chiều cắp về”.

Đó chính là biểu hiện của phai nhạt lý tưởng, “tự diễn biến - tự chuyển hóa”, chậm chuyển biến của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cấp lãnh đạo.

Nhiều lĩnh vực chậm đổi mới, thiếu quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, cổ phần hóa, xử lý dự án thua lỗ hay những nhiệm vụ quan trọng trong an ninh xã hội, tai nạn giao thông, bảo vệ rừng, phòng chống cháy nổ... Lĩnh vực nào cũng có hiện tượng “trên nóng dưới lạnh”, “trên bảo dưới không nghe”, “trên trải thảm, dưới rải đinh”... Nhiều việc cần thiết, cấp bách nhưng cấp dưới ỷ lại chờ cấp trên, chậm tiến độ, thậm chí không chịu làm hoặc làm qua loa cho xong việc. Căn bệnh này đã tồn tại khá lâu và đang trở thành lực cản không nhỏ cho phát triển của đất nước.

“Trên nóng” là tín hiệu tích cực, nhưng “dưới lạnh” thì phải chỉ ra cho được là con người, địa phương, ngành nào và làm rõ nguyên nhân. “Lạnh”`xét từ góc độ nhận thức đó là ý thức trách nhiệm, tinh thần cách mạng của cán bộ, đảng viên bị giảm sút, thiếu chăm lo công việc chung.

Điều gì khiến cho “dưới lạnh”? Đó là những yếu kém, tồn tại đã được chỉ ra trong nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11, 12) và Nghị quyết Đại hội Đảng 13 về công tác xây dựng Đảng. Từ ý thức chủ quan của tổ chức, của cán bộ lãnh đạo, quản lý cho đến những nguyên nhân khách quan từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, không tuân thủ quy trình, kỷ luật công tác. Chế độ làm việc, thi đua, khen thưởng, chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ của chúng ta hiện nay chưa làm đúng chức năng điều tiết, thiếu tính ràng buộc, việc không có lợi cho cá nhân không muốn làm hoặc làm lấy lệ, thiếu nhiệt tình.

Nhưng nguyên nhân chính là từ công tác tổ chức và cán bộ. Tổ chức (Đảng, chính quyền) chưa thực sự vững mạnh, cán bộ lãnh đạo thiếu gương mẫu, cục bộ, nặng tư duy nhiệm kỳ và thiếu trách nhiệm thì khó mà tạo nên sức “nóng”. Khi không còn giữ được “trái tim nóng” thì không thể có hành động quyết liệt trong điều hành, kiểm tra và chấn chỉnh cấp dưới. Họ sẽ chọn trạng thái cầm chừng, bề ngoài làm cho có vẻ trơn tru, đối phó với cấp trên, che đậy, mị dân với cấp dưới, lạnh lùng với chức trách được giao. Đây chính là nguyên nhân quan trọng nhất của biểu hiện “dưới lạnh” cần sớm loại bỏ.

Tạo cơ chế thúc đẩy

“Trên nóng dưới lạnh” là căn bệnh nguy hiểm về quản trị quốc gia cần phải có thuốc “điều trị đặc hiệu”. Yêu cầu đặt ra là hiệu lực quản lý phải được vận hành trơn tru, đều đặn, trở thành phong trào sâu rộng trong xã hội, trước hết là trong cơ quan côngvụ.

Quan điểm chung nhất là tạo cơ chế thúc đẩy làm việc nhiệt tình, ý thức trách nhiệm; chung lòng, chung sức cho phát triển của đất nước và ý thức với quyền lợi, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Cần sớm chỉ ra những tổ chức, cán bộ chưa “nóng”, không thể cứ nói nhiều về “một bộ phận không nhỏ” nhưng lại không chỉ ra cụ thể, không để “lạnh” trong từng tập thể nhỏ trở thành hiệu ứng đôminô sang các lĩnh vực, địa phương và lan ra xã hội.

Chúng ta đã có bộ máy mới sau Đại hội Đảng 13, bầu cử Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp và bước vào thời kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm, định hướng phát triển đến 2045. Đã đến lúc không cho phép bất cứ ai được “lạnh”, đủng đỉnh với nhiệm vụ, mục tiêu đã đặt ra.

Những cán bộ chưa “nóng”, còn thờ ơ, vô cảm, chây ỳ cần phải được cảnh báo, nhắc nhở, xử lý. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo: Ai không chịu làm đứng sang một bên cho người khác làm. Đó là chỉ đạo, đồng thời là mệnh lệnh không thể chậm trễ hơn.

Đại hội 13 về công tác tổ chức và cán bộ đã chỉ rõ những việc “việc cần làm ngay”, không thể để “bộ phận không nhỏ” cản trở phong trào, xu thế chung. Cần có cơ chế khuyến khích, khen thưởng, nhân điển hình với những nhân tố có “trái tim nóng”, “bàn tay sạch”, trước hết là trong hệ thống chính trị, lan tỏa đến quần chúng nhân dân, song song đảy mạnh công tác chống tham nhũng. Đó vừa là giải pháp chữa trị căn bệnh vô cảm, vừa làm bệ phóng thúc đẩy mọi phong trào thi đua.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH