Hoạt động của các nhà máy châu Á giảm mạnh do chi phí gia tăng, hạn chế dịch nghiêm ngặt. Ảnh minh họa: Báo Thanh Niên

Trong đó, Việt Nam và Malaysia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cụ thể, hoạt động sản xuất ở 2 nước trong tháng 6 chứng kiếm mức giảm do chính phủ áp dụng nhiều hạn chế nghiêm ngặt hơn để chống dịch. Điều này khiến triển vọng của khu vực có thể thụt lùi hơn so với các nước phương Tây khi bàn về tiến trình phục hồi sau đại dịch.

“Dữ liệu PMI (chỉ số quản lý thu mua) cho thấy rõ tác động của đợt dịch COVID-19 mới nhất đối với lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, với các công ty trong những khu vực hạn chế phải đóng cửa, dẫn đến sự sụt giảm mạnh mẽ trong sản lượng và các đơn đặt hàng mới trong toàn bộ ngành. Mặc dù ít nghiêm trọng hơn khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020, nhưng mức giảm trong sản lượng chế tạo và sản xuất ghi nhận trong tháng 6 vẫn nghiêm trọng hơn bất kỳ những gì đã được nhìn thấy trước đó, kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào hơn 1 thập kỷ trước”, Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit cho hay.

Trong khi đó, Trung Quốc chứng kiến tăng trưởng sản lượng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 tháng.

Chi phí nguyên liệu thô cao hơn và tình trạng thiếu chip bán dẫn cũng làm ảnh hưởng đến các cường quốc xuất khẩu của châu Á, bao gồm cả Nhật Bản, quốc gia chứng kiến hoạt động của nhà máy mở rộng với tốc độ chậm nhất trong vòng 4 tháng vào tháng 6.

Hàn Quốc có hoạt động sản xuất tốt hơn, với hoạt động nhà máy tăng tháng thứ 9 liên tiếp trong tháng 6, mặc dù giá đầu vào và đầu ra kỷ lục, cho thấy các nhà sản xuất cũng phải chịu đựng nhiều căng thẳng.

Usamah Bhatti, một nhà kinh tế tại IHS Markit cho biết: “Các nhà sản xuất nhận xét rằng sự gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng đã bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động”.

Trong số các nước, chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm từ mức 53,1 trong tháng 5 xuống còn 44,1 trong tháng 6, qua đây đánh dấu sự suy giảm mạnh nhất, nghiêm trọng nhất về điều kiện kinh doanh trong hơn 1 năm.

Chỉ số PMI của Malaysia cũng giảm xuống 39,9 trong tháng 6, giảm từ mức 51,3 trong tháng 5 do các quy định mới về COVID-19 gây ảnh hưởng đến nhu cầu bên ngoài và  nội địa . Chỉ số của Đài Loan cũng giảm xuống còn 57,6, thấp hơn so với mức 62,0 ghi nhận trước đó.

Theo nhận định của các chuyên gia, từng được coi là động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, các nền kinh tế mới nổi của châu Á đang tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến trong việc phục hồi sau đại dịch.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)