Toàn tỉnh đã có khoảng 150 con trâu, bò bị bệnh lở mồm long móng (LMLM) và cảnh báo dịch bệnh có nguy cơ bùng phát rất cao do nắng nóng kéo dài.

Cán bộ thú y kiểm tra bệnh LMLM

Phòng ngừa từ người dân

Quảng Điền là địa phương đầu tiên trong các huyện A Lưới, Nam Đông tái phát dịch bệnh LMLM. Trong điều kiện diễn biến thời tiết phức tạp, ngành thú y cảnh báo nguy cơ dịch bệnh LMLM tại huyện Quảng Điền và các địa phương còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian đến.

Ông Trần Kỷ ở xã Quảng Vinh (Quảng Điền) rất lo lắng cho đàn trâu của gia đình gồm 23 con. Sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân, ông Kỷ thu gom rơm rạ dự trữ làm thức ăn đầy đủ trong suốt vụ hè thu. Ông Kỷ còn dự trữ thêm các loại thức ăn dinh dưỡng, tinh bột nhằm tăng đề kháng cho gia súc như cám, đường… Chuồng trại nuôi được gia cố, sửa chữa đảm bảo thoáng mát. Những lúc đỉnh điểm nắng nóng, ông Kỷ vừa phun nước vệ sinh chuồng trại, vừa tắm mát cho đàn trâu.

Theo kinh nghiệm của ông Kỷ, ngoài các biện pháp đồng bộ, việc tiêm vắc-xin đầy đủ, theo định kỳ được xác định là một trong những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả trong mùa nắng nóng. Ngay từ đầu mùa hè, với những con trâu, nghé chưa được tiêm vắc-xin, ông tự mua thuốc về tiêm phòng ngừa dịch bệnh. Chuồng trại nuôi, khu vực quanh chuồng trại luôn được ông vệ sinh sạch sẽ, tự mua thuốc phun và rải vôi tiêu độc khử trùng (TĐKT). Tại thời điểm này, đàn gia súc cả trâu lẫn nghé của gia đình ông vẫn đảm bảo an toàn.

Chủ tịch UBND xã Quảng Vinh, ông Lương Nguyễn Thành Tâm thông tin, ngay từ đầu mùa nắng nóng, địa phương cử cán bộ về các cơ sở chăn nuôi, thôn, xóm để tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Trong đó, dịch LMLM trên trâu, bò, lợn là một trong những bệnh nguy hiểm mà người dân cần phải quan tâm. Chính quyền địa phương tiếp tục vận động, yêu cầu các cơ sở, chủ trang trại, hộ chăn nuôi tự mua vắc-xin, thuốc, vôi TĐKT phòng ngừa dịch bệnh.

Khuyến khích chăn nuôi an toàn sinh học

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, ông Phan Văn Lự chia sẻ, sau khi dịch bệnh LMLM xảy ra tại một số hộ trên địa bàn huyện, ngành nông nghiệp cùng các địa phương hướng dẫn các hộ chôn hủy số gia súc bị bệnh; đồng thời lập phương án đề xuất cấp trên hỗ trợ thiệt hại cho người dân theo quy định của Nhà nước.

Tại các hộ, vùng xảy ra dịch được tổ chức khoanh vùng, TĐKT và tạm thời chưa tái nuôi. Các địa phương đang tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, diễn biến thời tiết, đồng thời hướng dẫn các hộ nuôi, chủ trang trại triển khai các biện pháp đồng bộ bảo vệ đàn gia súc mùa nắng nóng. Ngoài TĐKT, cán bộ thú y cùng với người dân đang tiến hành tiêm vắc-xin phòng ngừa dịch bệnh LMLM cho đàn trâu, bò, lợn.

Ông Văn Lập, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới đánh giá, so với nhiều năm trước đây, người chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện ý thức cao hơn trong việc phòng ngừa dịch bệnh mùa nắng nóng cũng như mưa rét. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp và các địa phương vẫn không chủ quan, thường xuyên nhắc nhở, vận động và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho gia súc.

Vừa qua, trên địa bàn có khoảng 50 con gia súc bị bệnh LMLM cơ bản đã được chữa  trị khỏi. Cán bộ thú y từ huyện đến cơ sở đang triển khai tiêm vắc-xin LMLM và phun thuốc, rải vôi TĐKT chuồng trại, cơ sở chăn nuôi, điểm buôn bán, giết mổ, các chợ buôn bán sản phẩm gia súc và những nơi có nguy cơ cao.

TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh nhận định, thời tiết nắng nóng tiếp tục diễn biến phức tạp và sắp đến chuyển mùa từ nắng nóng sang mưa khiến nguy cơ bùng phát, lây lan dịch LMLM và một số bệnh rất cao nếu đàn trâu, bò, lợn chưa được tiêm phòng vắc-xin LMLM kịp thời.

Trước nguy cơ dịch bùng phát, ngành chăn nuôi - thú y phối hợp với các địa phương đang tập trung triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin phòng dịch LMLM, phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/7/2021 với hơn 80% tổng đàn toàn tỉnh. Các địa phương tổ chức hướng dẫn người dân từng bước chuyển sang chăn nuôi an toàn sinh học; kiểm soát tốt nguồn thức ăn, không sử dụng thức ăn thừa, ẩm mốc; sử dụng con giống an toàn như tự sản xuất, hoặc có nguồn gốc rõ ràng; rải vôi, tiêu độc hàng ngày, phòng chống nắng nóng cho gia súc…

Bài, ảnh: Hoàng Thế