Di tích Châu Hương Viên. Ảnh: Q.T

Huế xưa nay được biết đến là thủ phủ của xứ Đàng Trong và Kinh đô của nhà Nguyễn. Thế nhưng, với tháp Chăm Phú Diên, lịch sử huy hoàng của vùng đất như đẩy lùi về quá khứ và đó là niềm tự hào lớn lao của vùng đất. Nhà máy xi măng Long Thọ đã được di dời, nhưng cùng với các công trình như Nhà máy nước hay Nhà đèn Huế, là dấu tích lịch sử về thời kỳ phát triển công nghiệp sơ khai của Thừa Thiên Huế. Còn Châu Hương Viên là một câu chuyện lịch sử gắn liền với một ông Hoàng xứ Huế, cụ Ưng Bình Thúc Dạ Thị và niềm tự hào của vùng đất Thần kinh - ca Huế.

Ưng Bình Thúc Giạ Thị, tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình (1877 - 1961), là cháu nội ngài Tuy Lý Vương Miên Trinh. Cụ đỗ cử nhân Hán học (1909), ra làm quan, từng giữ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ (1940 - 1945). Cụ cũng là một nhà thơ lớn, đã để lại gần 2.000 bài thơ và nhiều vở tuồng nổi tiếng. Riêng vở tuồng “Tào lao” được vận dụng đưa vào 21 làn điệu dân ca Huế. Cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị được xem là người có công lớn trong sự hình thành và phát triển ca Huế. Châu Hương Viên, ngôi nhà cổ ba gian hai chái trong khu vườn rộng lớn, tĩnh mặc bên bờ sông Hương (nay ở đường Nguyễn Sinh Cung, TP. Huế), là nơi cụ Ưng Bình sinh sống sau khi hồi hưu.

Cảm nhận có nét tương đồng giữa nhạc sĩ Cao Văn Lầu, được xem là biểu tượng, tác giả tác phẩm “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng với nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị với ca Huế. Đờn ca tài tử Nam Bộ được xem có nguồn gốc từ ca Huế. Tôi đã có dịp vào Bạc Liêu và được biết cùng với việc tổ chức các hoạt động biểu diễn, một khu tưởng niệm cũng được xây dựng tại nơi đây, không chỉ góp phần tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và ông Cao Văn Lầu mà còn là điểm đến trong hành trình thưởng ngoạn và khám phá sản phẩm du lịch phương Nam đặc sắc này dành cho du khách. Một lần đến thăm khu tưởng niệm này cách đây không lâu, tôi đã chạnh lòng khi nhớ đến Châu Hương Viên đổ nát.

Dẫu muộn hơn không, dự án tu bổ, tôn tạo Châu Hương Viên thành một địa điểm quan trọng để bảo tồn, vinh danh và phát huy giá trị của ca Huế mà ngành văn hóa đang triển khai là rất cần thiết. Và với ý nghĩa đó, cuộc viếng thăm của ông Phan Ngọc Thọ vào đầu tháng 6 vừa qua trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh với lời nhắn nhủ đẩy nhanh tiến độ và thực hiện kỹ lưỡng dự án là điều đáng suy nghĩ. Văn hóa Huế không chỉ có kinh thành Huế và những giá trị liên quan gắn liền với xứ Đàng Trong và Vương triều Nguyễn mà hơn thế, rất đa dạng và phong phú, đang cần có ngay những sự đầu tư tâm huyết để bảo tồn và phát huy. Cùng với tháp Chăm Phú Diên và Nhà máy xi măng Long Thọ, Châu Hương Viên của cụ Ưng Bình là 3 trong số rất nhiều điểm nhấn đó.

ĐAN DUY