Người dân tham gia BHXH tự nguyện (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

“Đến từng nhà, gặp từng người”

Thắm có tên đầy đủ là Trần Thị Thắm, ở thôn Ta Rung, Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Sơn là một trong những đại lý thu tiêu biểu của huyện Nam Đông. Nhiều năm qua, Thắm vận động khoảng 70 người tham gia BHXH tự nguyện và hàng chục người mua thẻ bảo hiểm y tế hộ gia đình. Thắm có uy tín với đồng bào, lại có kỹ năng tuyên truyền nên thuyết phục người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Tôi không hiểu hết câu chuyện mà Thắm đang trao đổi với bà con, nhưng chắc chắn một điều, cô đang giải thích cặn kẽ về những lợi ích mà chính sách đem lại. Không chỉ nói một chiều, Thắm còn dẫn chứng người thật việc thật ngay trong xã khi đang là hộ nghèo nhưng vẫn dành dụm tiền thu hoạch chuối để đóng BHXH tự nguyện. Chiều hôm ấy, ít nhất đã có 5 người tham gia BHXH tự nguyện. Thắm bảo, như rứa cũng đã tốt lắm rồi, từ những người này  sẽ lan tỏa, sẽ còn nhiều người khác nhìn vào đó để tự tích lũy cho mình.

Vận động được đồng bào tham gia BHXH tự nguyện, song Thắm vẫn chưa vội mừng. Theo lý giải của cô, người dân ở đây đa số làm nông nghiệp, đời sống đồng bào còn khó khăn nên để vận động được một người dân tham gia, đại lý phải đồng hành, theo suốt quá trình. Có tháng đủ tiền thì họ nộp 3 tháng/lần, có lúc thì nộp từng tháng một. Chị nào khó khăn quá thì Thắm lại cho mượn... Nếu không linh hoạt bà con dễ nản, lại bỏ hợp đồng giữa chừng.

Không như ở TP. Huế, cứ rải quân ra chợ vận động kiểu gì cũng có tiểu thương tham gia BHXH tự nguyện, ở Nam Đông, đồng bào dân tộc thường đi làm rẫy ở xa, có khi cả tháng mới về nhà. Có người còn làm chòi ở lại trên rẫy để tiện cho việc sản xuất canh tác. Chòi nọ cách chòi kia cả quả đồi nên để vận động được một người tham gia gian khổ lắm! Phải đi bộ hàng cây số đường rừng mới gặp được bà con. Muốn người dân hiểu, muốn “chốt” được đối tượng tham gia, nhân viên đại lý phải thực hiện phương châm “đến từng nhà, gặp từng người”, phải hiểu được địa bàn, nắm chắc đặc điểm của mỗi nhóm đối tượng thì việc tuyên truyền mới hiệu quả. 

Tuyển chọn đại lý thu là người dân tộc

Đặc thù ở Nam Đông là số lượng doanh nghiệp trên địa bàn huyện rất ít, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên nhiệm vụ trọng tâm của BHXH huyện là phát triển BHXH tự nguyện. Song, do phong tục tập quán, ý thức tích lũy cho tương lai còn hạn chế, nhất là kinh tế còn khó khăn nên lâu nay số người dân tộc thiểu số ở Nam Đông tham gia BHXH tự nguyện còn thấp. Con số 873 người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó trên 50% là người DTTS trong năm 2020 là sự nỗ lực đáng ghi nhận.

Kinh nghiệm được đúc kết từ chị Hồ Thị Đem, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thượng Quảng. Tùy từng hoàn cảnh, chị Đem lại có cách vận động phù hợp như hướng dẫn họ mỗi ngày tiết kiệm vài ngàn đồng hay khi bán nông sản xong thì trích ngay một ít để tham gia BHXH tự nguyện. “Mức đóng khá phong phú, nhưng thông thường họ chọn đóng mức cao để sau này có lương hưu ổn định. Mỗi tháng, mỗi năm để dành một ít, sau này về già sẽ có lương hưu, không phải chật vật lo toan cuộc sống. Cách thức đóng chủ yếu là đóng từng tháng một, đại lý thu hơi vất vả, nhưng được cái bà con giữ chữ tín nên đóng đầy đủ”- chị Đem nói.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Định, Giám đốc BHXH huyện Nam Đông trăn trở, muốn người dân nhận thức đầy đủ về quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, yếu tố quan trọng là phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng hành với cơ quan BHXH trong tuyên truyền, mở rộng diện bao phủ. Tiếp đến, chú trọng tuyển chọn, đào tạo đội ngũ nhân viên đại lý thu. Ưu tiên đại lý thu là cán bộ hội, đoàn thể, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, bởi họ là những người thông thạo địa bàn, hiểu rõ phong tục tập quán và hoàn cảnh của người dân, sẽ dễ dàng tiếp cận tuyên truyền, vận động.

Rất nhiều người tham gia BHXH tự nguyện bắt đầu từ nhiệt tâm và tin tưởng vào đại lý thu. Thậm chí, có nhiều người là hộ nghèo cũng đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Từ những trở ngại khi phải đến từng nhà đến vận động, đến nay, nhiều người đã thấy sự cần thiết của BHXH tự nguyệt nên đã vượt hai ba ngọn đồi đem số tiền tích cóp để tham gia chỉ để có được lương hưu. Có được điều đó là nhờ sự tận tâm của những đại lý thu, như chị Đem, chị Thắm đã tạo những hiệu ứng, lan tỏa dần trong xã hội về chính sách BHXH tự nguyện, điểm tựa vững chắc cho lao động tự do khi về già.

Bài, ảnh: HUẾ THU