Vương quốc Anh vẫn đang kiên cường chống lại đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: AP/Nhân dân Điện tử

Giải thưởng danh giá này trước đây chỉ được trao tặng cho tập thể 2 lần, 1 trong số đó được trao bởi Nữ hoàng.

Thủ tướng Anh Boris Johnson nhận định, giải thưởng là biểu tượng cho sự biết ơn của Vương quốc Anh.

“Đội ngũ những người làm trong hệ thống Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh đã và đang làm việc ở tuyến đầu chống lại đại dịch, chăm sóc cho chúng ta, cũng như bạn bè, gia đình và người thân cũng ta trong vòng 1 năm qua và tôi đã tận mắt chứng kiến lòng dũng cảm của họ. Tôi biết đằng sau tôi là cả Vương quốc Anh cũng tri ân và cảm ơn đến những gì NHS đã làm cho đất nước chúng ta, không chỉ là trong năm ngoái, mà tính cả từ khi NHS được thành lập”, Thủ tướng Boris Johnson  - người được NHS điều trị khi trở thành bệnh nhân do nhiễm COVID-19 vào năm ngoái cho hay.

Được biết, NHS thành lập vào năm 1948 với tư cách là trung tâm cải cách xã hội từ sau Thế chiến thứ II. NHS có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe phổ quát toàn diện do nhà nước tài trợ.

Giám đốc điều hành NHS Simon Stevens cho biết, việc được trao giải thưởng danh dự này là cách mà những kỹ năng, lòng nhân ái và sự dũng cảm của đội ngũ nhân viên làm việc trong hệ thống dịch vụ NHS được công nhận trong tiến trình chống lại một đại dịch tồi tệ và nghiêm trọng nhất trong suốt một thế kỷ qua.

“Đối mặt với nghịch cảnh, chúng ta đã chứng kiến khả năng làm việc nhóm phi thường, không chỉ trên toàn hệ thống NHS, mà còn liên quan đến hàng trăm nghìn tình nguyện viên, hàng triệu người chăm sóc, nhân viên và công chúng Anh, những người đã đóng vai trò không thể thiếu trong việc giúp dịch vụ y tế chăm sóc hàng trăm nghìn bệnh nhân nhiễm COVID-19”, Giám đốc Simon Stevens cho biết thêm.

Giải thưởng thánh giá George lần đầu tiên được trao tặng chung cho người dân Malta vào năm 1942 bởi cha của Nữ hoàng Elizabeth, vua George VI. Lần thứ hai là trao tặng cho Royal Ulster Constabulary bởi Nữ hoàng Elizabeth vào năm 1999.

Về diễn biến đại dịch và nỗ lực phòng chống, bình thường hóa nền kinh tế sau dịch của Anh, tính đến 7h31p ngày 5/7, Anh ghi nhận hơn 4,9 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có hơn 128.000 trường hợp tử vong.

Thủ tướng Boris Johnson vào ngày 5/7 sẽ công bố kế hoạch về việc nới lỏng lệnh phong tỏa áp dụng ở nước Anh, bao gồm hướng dẫn về giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và làm việc từ xa tại nhà.

Theo đó, các hạn chế pháp lý còn lại để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 sẽ được dỡ bỏ vào ngày 19/7.

Số liệu thống kê chỉ ra rằng số ca nhiễm COVID-19 có thể sẽ tăng cao nếu các hạn chế được nới lỏng, song mối liên kết giữa các trường hợp nặng phải nhập viện và số ca tử vong đã yếu đi nhờ vào chương trình tiêm chủng.

Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến sẽ tuyên bố rằng mọi người cần phải sống chung với đại dịch như sống chung với bệnh cúm, có nghĩa là các trường hợp nhập viện, bệnh nặng và tử vong vẫn sẽ tiếp tục xảy ra nhưng ở mức độ thấp và ít hơn nhiều so với trước khi chương trình tiêm chủng được tiến hành rộng rãi với quy mô lớn.

Trong một tuyên bố của mình, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết: “Nhờ triển khai thành công chương trình tiêm chủng của quốc gia, chúng tôi đang thực hiện một cách thận trọng kế hoạch của đất nước. Song tôi vẫn phải nhắc lại rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc và số ca bệnh vẫn sẽ gia tăng trong những tuần tới”.

Khi mọi người tập cách sống chung với đại dịch này, tất cả mọi người đều phải học cách tiếp tục quản lý cẩn thận các rủi ro từ đại dịch COVID-19..., Thủ tướng Anh nói thêm.

Dữ liệu chính phủ cho thấy, tiến trình triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 ở Anh đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Tính đến ngày 4/7 vừa qua, 86% dân số người trưởng thành đã được tiêm chủng liều đầu tiên và 64% đã nhận đủ 2 liều vaccine COVID-19.

Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 đã gia tăng trong những tuần gần đây, do biến thể Delta đang chiếm ưu thế, khiến dịch bệnh lây lan và kế hoạch nới lỏng hạn chế của Anh đã phải hoãn lại 4 tuần để tiêm chủng cho nhiều người dân hơn.

Dữ liệu từ Tổ chức Y tế Công cộng Anh chỉ ra rằng, vaccine COVID-19 có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn các ca bệnh phát triển nặng và nhập viện do biến thể Delta.

Bộ trưởng Bộ Gia cư Vương quốc Anh Robert Jenrick ngày 4/7 thông tin, việc đeo khẩu trang sẽ không còn là bắt buộc trong bước cuối cùng của tiến trình nới lỏng phong tỏa.

Trên thế giới, tính đến 7h54p ngày 5/7, thế giới ghi nhận hơn 184,5 triệu ca nhiễm COVID-19. Trong đó bao gồm hơn 3,9 triệu trường hợp tử vong và hơn 168,8 triệu bệnh nhân đã phục hồi từ sau khi nhiễm bệnh.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA & Worldmeters)