Con số 430 học sinh rớt tốt nghiệp THPT năm 2020 cho thấy, nhiều em có sức học yếu, chủ yếu tập trung vào các huyện miền núi và trung tâm giáo dục hướng nghiệp. Kết quả thi cử không như ý muốn, nhưng các em không thấy bất ngờ. Cũng có em gia cảnh khó khăn nên không muốn học tiếp hay sức học có hạn nên chẳng dám “mơ cao”, chỉ mong có một tờ giấy chứng nhận đã hoàn tất chương trình 12 để tiện tính toán cho tương lai.

Nếu như trước đây, học sinh học hết chương trình THPT có đủ điều kiện thi mới được dự thi và nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, kể từ 1/7/2020, thời điểm Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực, sau khi học hết chương trình THPT, thí sinh đủ điều kiện dự thi theo quy định nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Với các em học lực trung bình, yếu có thêm động lực học tập để hoàn thành chương trình, làm giảm đáng kể tỷ lệ bỏ học của học sinh.

Nhớ năm trước, có hàng chục trường hợp học sinh ở huyện miền núi không đỗ tốt nghiệp THPT. Gặp người trong cuộc, là một học sinh của Trung tâm Giáo dục Hướng nghiệp Nam Đông, em kể, khi trượt tốt nghiệp, em đã xin đi làm nhân viên ở siêu thị. Cũng may có giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông để kèm vào hồ sơ nên em được ưu tiên khi phỏng vấn. Bản thân em cũng bớt thấy mặc cảm so với bạn bè.

Phụ huynh và học sinh đều phấn khởi khi việc triển khai cấp giấy chứng nhận này sẽ mở ra nhiều cơ hội để học sinh lựa chọn và nhiều người không nhất thiết phải chờ đợt hoặc tham dự kỳ thi tốt nghiệp mà có thể đi làm, đi học nghề ngay sau khi kết thúc chương trình năm học lớp 12. Chị Nguyễn Thị Linh, phụ huynh có con học lớp 12 chia sẻ: “Tôi muốn con học nghề du lịch để sau này về nối nghiệp gia đình. Sức khỏe cháu không tốt nên gia đình không trông chờ vào kết quả thi. Ngành nghề con tôi chọn không đòi hỏi bằng THPT, nhưng nếu sau này cháu muốn thi tiếp để có tấm bằng tốt nghiệp THPT để học lên đại học, cao đẳng thì tôi đăng ký thi lại tốt nghiệp”.

Ngay việc giao quyền cấp giấy chứng nhận cho hiệu trưởng các trường THPT được xem là phù hợp. Hiệu trưởng sẽ là người nắm rõ chất lượng đào tạo của trường, chất lượng học tập của học sinh, nên có thể cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình. Khi đó, giấy chứng nhận sẽ gắn liền với thương hiệu của trường và hiệu trưởng sẽ phải có trách nhiệm với việc cấp giấy này.

Theo quan điểm của ngành giáo dục, vẫn xảy ra tình trạng nhiều học sinh học cho có tấm bằng tốt nghiệp THPT, hay chí ít là được cấp giấy chứng nhận. Thế nên, Sở GD&ĐT đã siết chặt đầu ra, nghĩa là, em nào có đủ điều kiện mới cho tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng nghĩa với việc cấp giấy chứng nhận nếu thi rớt. Bởi, các em thi không đậu tốt nghiệp, vô hình trung kéo kết quả phổ điểm và điểm thi THPT của toàn tỉnh đi xuống.

Giải pháp cũng đặt ra là dẫu đậu tốt nghiệp hay không, chất lượng giáo dục cũng cần được cải thiện nên ngành giáo dục đã triển khai kế hoạch tổ chức thi thử tốt nghiệp cho học viên ở Trung tâm GDHN theo đề thi chung của các trường THPT, từ đó, có phương án bồi dưỡng cho từng học viên. Ngoài ra, yêu cầu tăng cường trao đổi chuyên môn giữa các trung tâm, giữa giáo viên giảng dạy tại các trung tâm với nhau và với giáo viên giảng dạy tại các trường phổ thông để biên soạn chương trình, nội dung tài liệu ôn thi vừa đúng định hướng vừa phù hợp với trình độ, năng lực của học viên giáo dục thường xuyên.

Tuy chỉ đáp ứng nguyện vọng của một số rất nhỏ đối tượng học sinh đã hoàn thành chương trình phổ thông nhưng chủ trương, chính sách này được cho là rất ý nghĩa và nhân văn trong việc đã quan sát, lắng nghe, ghi nhận thực tế nhằm gợi mở cơ hội và đảm bảo quyền lợi cho mọi học sinh.

An Nhiên