Đại dịch ở châu Á đang kéo giảm chi tiêu của người tiêu dùng. Ảnh minh họa: Reuters/Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lloyd Chan, nhà kinh tế cao cấp tại Oxford Economics cho biết: “Đối với hầu hết các khu vực của châu Á, chúng tôi vẫn nhận thấy rằng mức độ tiêu dùng tư nhân có phục hồi, song diễn ra khá chậm và vẫn ở mức thấp hơn so với giai đoạn tiền đại dịch”.

Theo nhà kinh tế Lloyd Chan, đà phục hồi không đồng đều và khá khó khăn trong chi tiêu của người tiêu dùng trong khu vực phần lớn bị tác động bởi đại dịch COVID-19, khi các đợt bùng phát lẻ tẻ đã và đang tiếp tục tại nhiều nước châu Á.

Trung Quốc phần lớn đã thành công trong việc ngăn chặn các đợt dịch COVID-19 quay trở lại. Tuy nhiên, tiến trình phục hồi kinh tế của đất nước đã bị kìm hãm bởi chi tiêu bán lẻ chậm chạp, bất chấp nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy chi tiêu.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh đang trở nên nghiêm trọng hơn ở các quốc gia khác trong khu vực châu Á. Điều này có thể gây nên tác động tiêu cực đối với tâm lý người tiêu dùng, cũng như khả năng đi lại, Taimur Baig, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng DBS của Singapore nhấn mạnh.

“Như chúng ta đã thấy trong năm ngoái, khả năng đi lại là điều kiện tiên quyết, đóng vai trò quan trọng đối với tiêu dùng, bởi vì khi ở nhà, người tiêu dùng có thể đặt mua nhiều thứ thông qua các ứng dụng thương mại điện tử. Nhưng họ vẫn không chi tiêu lượng tiền như những gì có thể chi tiêu nếu có thể ra ngoài thường xuyên”, chuyên gia kinh tế Taimur Baig nhận định.

Trong một thông tin có liên quan, ở khu vực Bắc Á, tỉnh Okinawa của Nhật Bản vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp, trong khi các khu vực khác, bao gồm cả thủ đô Tokyo vẫn đang được áp dụng các biện pháp hạn chế, phòng ngừa ưu tiên.

Cùng lúc, ở Đông Nam Á, Bộ trưởng Y tế Indonesia vào tháng 6 cho biết một số vùng của nước này đang thiếu giường bệnh, khi số ca nhiễm mới liên quan đến biến thể Delta tăng lên nhanh chóng.

Ấn Độ, quốc gia có số ca nhiễm cao thứ 2 thế giới đã đạt tổng cộng hơn 30 triệu ca nhiễm, ghi nhận vào cuối tháng 6. Cho đến gần đây, quốc gia Nam Á này tiếp tục phải vật lộn với đợt dịch kinh hoàng thứ hai, khi các ca bệnh tăng đột biến, gây nên áp lực nghiêm trọng đối với hệ thống y tế nước nhà.

Chuyên gia kinh tế Taimur Baig của Ngân hàng DBS cho biết: “Miễn là các hạn chế về khả năng di chuyển vẫn còn tồn tại, miễn là hỗ trợ chính sách vẫn không đủ, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến tốc độ phục hồi chậm trong tiêu dùng”.

Đan Lê (Lược dịch từ CNBC)