Cần cẩn trọng khi tham gia bình luận các vấn đề trên mạng xã hội 

Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu mọi người cảm thông với những chệch choạc ban đầu của một đoàn sinh viên kỹ thuật y vừa bay vào hỗ trợ thành phố phòng dịch. Sẽ không có gì đáng để nói nếu người dẫn đoàn không “căng” một cách quá mức khi chưa đồng ý cho các sinh viên này vào cuộc xét nghiệm ngay cho bà con – những người đã xếp hàng và chờ đợi quá lâu để được xét nghiệm PCR. Sẽ không có gì đáng để nói nếu đơn vị tài trợ cho chuyến đi này không quá lời trong khâu truyền thông, với những từ ngữ tung hô ồn ào…

Đó cũng là lý do xuất phát những “comment - bình luận” hai chiều, đa phần là không tích cực xung quanh chuyện này trên mạng xã hội. Ngay cả khi có những bài báo đề cập kỹ hơn, sâu hơn về nguyên nhân và lý do của sự chậm trễ, như một cách phân tích và chia sẻ nó với bạn đọc. Có lẽ ở đây, các nhà báo, tờ báo có chậm hơn mạng xã hội. Có lẽ, người ta cũng không ngờ rằng, điều đó đã loang ra quá nhanh đến vậy. Cũng có thể vì việc tiếp cận vấn đề có chút… vấn đề. 

Có thể cho đến lúc ấy, mọi việc đã trở nên khó kiểm soát hơn, khi mạng xã hội, với sự tham gia của một vài người khá nổi trong giới “showbiz”. Khi câu chuyện chưa được nhìn từ bản chất, ngôn từ từ đây trở thành “vũ khí sát thương”. Nhất là khi với sự bực dọc, lo lắng về dịch bệnh đang ngày càng có nhiều ca mới, người dân dễ bị lôi kéo, với nhiều “comment – bình luận” giận dữ. Và đó là khi những chiếc “loa tay”, rất nhiều những “loa tay” xuất hiện. Chúng ùa lên những âm thanh chưa được kiểm chứng từ bàn phím. Chúng nối thêm những gắt gỏng, chê bai. Đó cũng là môi trường để những phần tử kích động phát sinh, gây chia rẽ, mất đoàn kết trong người dân; vùng miền…

Không bài học nào giống bài học nào. Cái xấu chừng như rình rập và đến ngay từ khi ta còn đang bận bịu và chú tâm vào công việc, chưa nhìn thấy ngay những bất ổn nhẽ ra cần được đặt ra và nhìn thấy trước. Nếu chúng ta cùng nhau thông cảm và chờ đợi; nếu có sự thông cảm với điều kiện ở nơi đang là một trong những tâm dịch, mọi chuyện đã được giải quyết ngay. Nếu chúng ta không quá “tiền hô hậu ủng” trong tính truyền thông về sự kiện mà biết chừng mực vấn đề, sự việc có lẽ không như đã xảy ra.

Nhưng rõ ràng, việc kiềm chế cảm xúc tự phát của bản thân trước một vấn đề chưa được thấu đáo; việc đặt nhiều hơn tính chia sẻ thay vì chỉ muốn thể hiện cái tôi cá nhân và sự tưởng như là hiểu biết, mọi thứ sẽ được chảy trong dòng tích cực.

Đã đến lúc, phải có những hồi đáp cứng rắn hơn cho những chiếc “loa tay” vốn mọc nhanh và vô cùng nhiều. Tôi nói điều đó vì mặc dù nhiều người đã viết hẳn “slogan – phương châm” trên trang của mình là “Tôi không tin vào facebook”, đó vẫn là nơi trải ra quá nhiều vấn đề xã hội, mà cái xấu dường như đang nhiều hơn cái tốt.

Yên Minh