Chị em xã Thượng Long đồng lòng giúp đỡ nhau và đem về được nhiều thành quả tốt

Là một xã miền núi, Thượng Long có tỷ lệ người dân tộc Cơ Tu cao. Dù được hưởng nhiều chính sách ưu tiên, nhưng đây vẫn là vùng dân cư có đời sống kinh tế khó khăn.

Hội LHPN xã đã phát động nhiều phong trào giúp chị em phát huy khả năng, góp phần nâng cao đời sống gia đình, nuôi con khoẻ dạy con ngoan, cùng chồng làm kinh tế gia đình. Một trong những hoạt động có hiệu quả giúp hội viên phát triển kinh tế là mô hình đổi ngày công và hỗ trợ vốn.

Mô hình đổi ngày công của phụ nữ Thượng Long là hình thức hoạt động tự nguyện, nhằm tập hợp các thành viên có công việc tương đối giống nhau để đổi ngày công.

Một trong những cái được khi tham gia mô hình này là chị em được tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây nông nghiệp, cây công nghiệp, chăn nuôi… Có kiến thức cơ bản, chị em còn được hướng dẫn thực tế để hiệu quả đổi công cao hơn.

Hiệu ứng sau công việc là tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. Trong các cụm dân cư có sự liên thông, chị này đau, chị kia con ốm hay con đi học xa, chồng không ở nhà… được các chị chia sẻ kịp thời. Công việc không bị ứ đọng mà ai cũng cảm thấy “vui cái bụng” vì có bạn bè, chia sẻ khó khăn, vui buồn hàng ngày cho nhau.

Các chị còn tổ chức các hoạt động giải trí, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cùng bảo ban nhau giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước. Là hạt nhân khơi dậy phong trào giúp đỡ lẫn nhau, tăng cường phát triển kinh tế từng hội viên, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Chị Lụt chia sẻ: “Mô hình được triển khai từ năm 2018. Mới đầu chúng tôi làm điểm ở thôn Ka Đong và thôn A Prung, chỉ có 100 hội viên. Các chị ban đầu tham gia cũng ngại ngần lắm, dần dần cảm thấy mô hình này đem lại lợi ích thiết thực nên Hội không phải đi vận động nữa mà chị em chủ động xin vào, cứ thế lan rộng ra toàn xã”.

Với sự hướng dẫn của Hội LHPN xã, mô hình thực hiện bằng cách chia các hội viên tham gia theo nhóm để bảo đảm tiến độ lịch sản xuất được thống nhất từ trước. Mỗi nhóm tham gia trồng hoặc nuôi cho một thành viên trong nhóm rồi tính công, mỗi công 100.000 đồng. Mỗi buổi đổi công mỗi thành viên đóng 20.000 đồng để xây dựng quỹ. Hội còn tổ chức hỗ trợ hội viên phụ nữ vay vốn trồng trọt, chăn nuôi với lãi suất thấp hoặc không lãi. Là vùng quê nghèo nhưng đất đai phong phú nên với sự hợp lực, các chị chỉ cần ít vốn cây giống, phân bón là có được mảnh vườn với cam, chanh, bưởi, dứa. Ít trăm ngàn đến vài triệu đồng là có giống gà, heo, bò…

Theo giới thiệu của chị Lụt, chúng tôi đến thôn A Chiếu gặp chị Trần Thị Lèng, chị Hồ Thị Định- những người có mong muốn tổ chức chăn nuôi từ lâu nhưng chưa có vốn. Các chị tham gia mô hình đổi ngày công và được tạo điều kiện vay vốn mua con giống …

Với sự giúp đỡ này, hiện gia đình chị Lèng và chị Định đã có bầy heo, giúp gia đình phát triển kinh tế.

“Mô hình đổi ngày công đã đem lại nhiều lợi ích cho các hội viên khi cùng hỗ trợ nhau trong chăn nuôi, trồng trọt. Hộ nào cần thiết hơn thì làm trước cho hộ đó. Qua việc đổi công, hội viên còn học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong sản xuất”. Chị Hồ Thị Định, người trực tiếp hưởng lợi từ mô hình cho biết.

Hiện, toàn xã Thượng Long có 631 hội viên tham gia mô hình, mỗi hội viên một năm đóng góp cho hội 200.000 đồng. Đây là nguồn vốn không nhỏ nếu biết tận dụng và chị em phụ nữ ở đây đã tận dụng hiệu quả.

Đạt được nhiều lợi ích kinh tế kể từ khi tham gia mô hình, hoạt động của Hội LHPN xã Thượng Long sôi nổi, phong phú, hiệu quả hơn. Mọi người trở nên thân thiết, gần gũi với nhau, động viên nhau cùng cố gắng vươn lên.

Bài, ảnh: Phạm Phước Châu