22 triệu người ở các nền kinh tế tiên tiến đã mất việc làm do đại dịch COVID-19. Ảnh: Richmond

Theo báo cáo “Triển vọng việc làm” hàng năm của OECD, các kế hoạch duy trì việc làm được triển khai trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng COVID-19 đã giúp duy trì được khoảng 21 triệu việc làm. Tuy nhiên, các quốc gia giàu có phải đối mặt với mối đe dọa gia tăng tỷ lệ thất nghiệp trong dài hạn do nhiều lao động trình độ thấp bị sa thải trong đại dịch phải vật lộn tìm kiếm việc làm mới.

Ông Stephane Carcillo, phụ trách bộ phận việc làm và thu nhập của OECD, cho biết nhiều công việc đã bị mất trong cuộc khủng hoảng đại dịch này sẽ không được phục hồi.

Vào tháng 5/2021, tỷ lệ thất nghiệp ở các nước OECD giảm xuống còn 6,6%, nhưng vẫn cao hơn mức trước đại dịch ít nhất 1%. 

Dự báo phục hồi vào quý III/2023

Theo đánh giá của OECD, tình trạng việc làm tổng thể ở các nước thành viên sẽ không thể trở lại bình thường cho đến quý III/2023. Tuy nhiên, các quốc gia riêng lẻ, chẳng hạn như các nước ở châu Á - Thái Bình Dương, đã chứng tỏ khả năng xử lý khủng hoảng tốt hơn, từ đó có thể cải thiện tình hình nhanh hơn.

Tình trạng thiếu việc làm kéo dài đó được cho là có tác động tồi tệ nhất đối với những người dễ bị tổn thương, phụ nữ và lao động có kỹ năng thấp - đại diện cho sự mất cân đối trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Báo cáo cũng cho thấy những người trẻ tuổi có khả năng bị tác động tiêu cực nhiều hơn so với những người trưởng thành trong độ tuổi làm việc.

Ông Stefano Scarpetta, Giám đốc bộ phận việc làm, lao động và xã hội của OECD cho rằng “đối với những người trẻ, những vết sẹo về việc làm và tiền lương có thể sẽ được cảm nhận trong một thời gian dài”.

Theo OECD, tác động đối với thanh niên cao hơn ít nhất là gấp đôi so với người lớn nói chung, và thanh niên ở Canada, Mỹ, Mexico và Tây Ban Nha là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Triển vọng phát triển làm việc từ xa

Báo cáo của OECD càng làm gia tăng nỗi lo khi tình trạng việc làm vốn đã khó khăn đối với những người trẻ tuổi. Theo dữ liệu của OECD, phải mất 10 năm tình trạng việc làm của thanh niên mới trở lại mức bình thường sau cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu năm 2008.

Để tránh những hậu quả lâu dài tương tự, cần có những biện pháp quy mô hơn trong thời gian này để đầu tư vào những người trẻ tuổi - chẳng hạn như thông qua học nghề và đào tạo lại, ông Scarpetta khuyến nghị.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, sự xuất hiện của việc làm từ xa được cho là một điểm sáng, khuyến khích người sử dụng lao động linh hoạt và bao trùm hơn trong các chính sách làm việc của họ.

Trong tương lai, ông Scarpetta cho rằng “có tiềm năng để làm việc từ xa được phổ biến rộng rãi hơn”. Tuy nhiên, những thách thức về khả năng tiếp cận vẫn cần được giải quyết, cả về nhân lực có thể làm việc từ xa và các nguồn lực cần thiết để làm việc từ xa; nếu không, nó có thể trở thành một sự phân chia khác trên thị trường lao động.

BẢO NGHI (Lược dịch từ CNBC)