12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 vừa được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 68/NQ-CP vào ngày 1/7. Điều này sẽ mang đến cho người lao động, các doanh nghiệp gặp khó khăn do bị tác động nề của COVID-19 hy vọng. Và cho dù ở mức hỗ trợ tối thiểu dựa trên từng trường hợp, thời gian thực hưởng; lãi suất và vốn vay (đối với doanh nghiệp) thế nào đi chăng nữa, đây vẫn là một chỗ dựa cho những người yếm thế trong đại dịch, từ gói 26.000 tỷ đồng.

Trong cái nhìn tổng quan, hạn mức và đối tượng của gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng chắc chắn sẽ khác với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng (Nghị quyết 42/NQ-CP) so với trước đó. Một số người lại kỳ vọng khi cho hay, với tỷ lệ chỉ hơn 41% (so với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng), Nhà nước dễ có nguồn lực để hỗ trợ hơn và hỗ trợ nhanh hơn. Điều này đồng thời cũng phản ánh một thực tế khác, các gói hỗ trợ an sinh trước đó chưa kịp thời do quá nhiều trình tự, thủ tục.

Theo kết quả một cuộc khảo sát được công bố vào đầu năm nay, do Trường đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam thực hiện thì, đến giữa tháng 8/2020, gói này mới chỉ hỗ trợ được khoảng 16 triệu người, với tổng số tiền giải ngân chỉ đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng trong tổng số 62.000 tỷ đồng (xấp xỉ 19%). Đa phần là hỗ trợ cho nhóm lao động có bảo hiểm, lao động là người có công, hộ nghèo trong khi lao động chịu tác động mạnh nhất là người lao động tự do, lao động yếu thế thuộc khối phi chính thức lại không tiếp cận được.

Dịch bệnh khiến hàng loạt doanh nghiệp vận tải du lịch vô cùng khó khăn. Trong ảnh: hàng xe khách phải nằm phơi nắng vì không có khách. Ảnh minh họa: QT

Chỉ có 22,25% doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ các chính sách hỗ trợ các đối tượng chịu tác động của dịch COVID-19 là một tiếp cận khác. Khảo sát trên cũng cho thấy, 54,6% doanh nghiệp cho rằng không đáp ứng được điều kiện để nhận được hỗ trợ. 26% khác lại không biết đến các chính sách hỗ trợ và có gần 15 % doanh nghiệp cho hay, lý do mà họ không tiếp cận được là do quy trình, thủ tục hỗ trợ còn quá phức tạp.

Thực ra, những điều này đã được nhìn thấy. Tuy nhiên, giải pháp để tháo gỡ như thế nào cũng là vấn đề của tháo gỡ. Làn sóng COVID-19 thứ tư (và có thể còn những làn sóng khác nếu người dân lơ là, chủ quan) đã đẩy số lượng người, doanh nghiệp bị ảnh hưởng lên một con số quá lớn. Việc lập danh sách người lao động bị ảnh hưởng đương nhiên là khó khăn, dễ bị trùng lặp; một số không ít làm việc không có hợp đồng, tình trạng lưu trú khó xác định… là những yếu tố dẫn đến sự lúng túng trong triển khai ở nhiều địa phương, nhất là ở cơ sở. Sai sót trong việc này dễ dẫn đến khiếu kiện, khiến cho người thực thi phải cẩn thận và chặt chẽ hơn… Tất cả có lẽ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “kẹt đường” trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ từ an sinh đến các gói tín dụng khác từ phía ngân hàng.

Tin vui từ Bộ trưởng Bộ Tài chính là với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, ngân sách sẽ cấp đầy đủ, kịp thời gồm tiền từ ngân sách và từ một số quỹ của Nhà nước. Theo Tuổi trẻ, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Ngân hàng Nhà nước sẽ có thông tư hướng dẫn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam triển khai, để vốn vay ưu đãi kịp thời đến với doanh nghiệp để cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất.

Mặc dù điều mà doanh nghiệp kỳ vọng là gói tín dụng hỗ trợ lãi suất, nhằm tăng sức chống chịu trước áp lực cạn đáy nguồn lực, thậm chí là lãi suất về âm xem ra mới nhìn thấy từ xa, song bất cứ gói hỗ trợ nào cũng sẽ làm đời sống ấm dần lên. Theo góc nhìn của chúng tôi, đó cũng là trợ lực tốt trên đường vận chuyển “vắc-xin” cho nền kinh tế.

MINH HÀ