Sau 25 năm, cơn ác mộng đá hỏng luân lưu trong trận bán kết EURO của Gareth Southgate chấm dứt khi ông cùng đội tuyển Anh có chiến thắng thuyết phục 2 - 0 trước Đức trên sân nhà Wembley. Đội tuyển Anh sau đó tự tin bước vào vòng tứ kết và trước một đối thủ được đánh giá yếu hơn là Ukraina, Tam Sư tiếp tục chiến thắng với tỷ số 4 - 0 để thẳng tiến vào bán kết EURO 2020. Không để thủng lưới ở trận đấu này, tuyển Anh thiết lập nên một kỷ lục mới khi trở thành đội bóng đầu tiên giữ sạch lưới 5 trận đấu liên tiếp trong lịch sử EURO.
Tuyển thủ Anh (áo trắng) ăn mừng chiến thắng. Ảnh: tienphong.vn
Hành trình của Anh Quốc ở EURO 2020 khiến nhiều người nhớ lại tên gọi phớt Ăng-lê, biệt danh gắn liền với người Anh và bóng đá xứ sở sương mù. Phớt ở đây bắt nguồn từ một từ tiếng Pháp “flegme” có nghĩa là sự điềm tĩnh, còn Ăng-lê cũng là một từ tiếng Pháp được Việt hóa: “Anglais” tức là thuộc về tiếng Anh, liên quan đến nước Anh. Như vậy, nói nôm na phớt Ăng-lê nghĩa là sự điềm tĩnh của người Anh, nước Anh. Người Anh được gắn với biệt danh này là bắt nguồn từ tính cách nổi tiếng bình thản, giỏi che giấu cảm xúc. Dù khó khăn đau khổ đến mấy, họ vẫn phải giữ được sự bình tĩnh, ít nhất là trước mặt người khác.
Trận đấu bóng đá quốc tế đầu tiên được tổ chức vào năm 1872 là trận đấu ra mắt của đội tuyển Anh cùng với Scotland. Ra đời gần như sớm nhất và miễn nhiên được đánh giá cao, thế nhưng tuyển Anh lại có bảng thành tích khiêm tốn so với nhiều đại gia của bóng đá thế giới. Đội dự cúp thế giới từ năm 1950 và chỉ lên ngôi 1 lần duy nhất vào năm 1996, ngoài ra thì đứng hạng bốn 2 lần. Ở cấp độ châu lục, tuyển Anh còn chưa giành được cúp, thậm chí chưa từng vào chung kết, dừng bước ở mốc bán kết EURO các năm 1968 (hạng 3) và 1996.
Trong khoảng 1 - 2 thập kỷ trở lại đây, đội tuyển Anh luôn sở hữu một đội hình đầy sao và xứng đáng là 1 ứng cử viên cho chức vô địch, nhưng hết lần này đến lần khác, họ đều gục ngã tức tưởi và tủi hổ. Tuyển Anh chưa bao giờ thể hiện được hết sức mạnh và tiềm năng của mình. Nguyên nhân là do các cầu thủ tỏ ra quá yếu đuối trước sự bủa vây của áp lực đến từ mọi phía, nhất là từ sự soi mói của giới truyền thông nổi tiếng lá cải.
Với thành tích lọt vào bán kết World Cup 2018 và giờ đây là EURO 2020, có vẻ như niềm tin, sức mạnh và cả… phớt Ăng-lê nữa như đang trở lại với người Anh và bóng đá xứ sở sương mù. Chiến thắng trước cỗ xe tăng Đức mới đây của Tam sư là một minh chứng. Ở cả hai kỳ World Cup 1990 và EURO 1996, Anh đều bị Đức loại khỏi bán kết sau khi sút luân lưu. Gặp lại kình địch, sức mạnh của tuyển Anh dựa vào các cá nhân tài năng mà hầu hết đều đang chơi bóng ở Premier League vào trận với sự điềm tĩnh, lạnh lùng và họ đã có chiến thắng xứng đáng đúng theo tinh thần… phớt Ăng-lê.
Còn quá sớm để nói đến vinh quang dành cho người Anh. Trước mắt, để có thể góp mặt ở trận chung kết và chinh phục ngôi vua ở EURO 2020, thầy trò Gareth Southgate phải vượt qua một chướng ngại mang tên Đan Mạch, đang thi đấu với tinh thần “Christian Eriksen” và không hề giấu giếm ý đồ lập lại chiến tích của 29 năm về trước, vô địch EURO.
ĐÌNH NAM