Đại diện các đơn vị tham dự góp ý cho báo cáo
Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Cung Trọng Cường thông tin, Viện được UBND tỉnh giao nhiệm vụ khảo sát và đánh giá tình hình tác động của dịch COVID-19 và phân tích, đề xuất các giải pháp cụ thể để UBND tỉnh kịp thời xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thích ứng với các biến đổi trong tương lai theo hướng “bình thường mới”, giai đoạn 2021 – 2022.
Theo đó, Viện đã triển khai khảo sát đánh giá tác động của dịch COVID-19 với 300 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn tỉnh và đã đưa ra được báo cáo thực trạng và tổng hợp các giải pháp đề xuất của DN. Báo cáo đã đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với các DNVVN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và các giải pháp của DN; đánh giá các giải pháp mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện và khả năng đáp ứng thực tế cho DN; phân tích và đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm đưa ra các chính sách hỗ trợ cho DN thích ứng với các biến đổi trong tương lai theo hướng “bình thường mới”, giai đoạn 2021 - 2022.
Theo báo cáo này, đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động rất lớn tới DN và người lao động ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm 2021 là 4.48%; riêng tỉnh Thừa Thiên Huế GRDP 2020 là 2.06% so với 7.27% năm 2019. Các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất lại là các ngành sử dụng nhiều lao động như: du lịch và lưu trú, hàng không, bán lẻ và các ngành chế tạo xuất khẩu như dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử và chế biến thực phẩm. Các DNVVN và hộ kinh doanh gia đình cũng là nhóm bị tác động đầu tiên của đại dịch. Trên 80% DN đã chủ động đưa ra các biện pháp ứng phó với tác động của COVID-19.
Trải qua hai đợt dịch, chính quyền trung ương và địa phương đã ban hành và thực hiện một số chính sách hỗ trợ DN và người lao động. Hiệu quả mang lại cụ thể là nền kinh tế vẫn tăng trưởng ở mức “tốt” so với thế giới, tuy nhiên bên cạnh đó nhiều chính sách được ban hành nhưng chưa đưa vào thực tiễn, khó tiếp cận; số lượng DN phá sản vẫn lớn, rủi ro vẫn tồn tại và chưa định hướng được hướng phát triển dài hạn.
Tham gia buổi tọa đàm, đại diện các sở, ngành và các DN tham dự đã có những thảo luận liên quan đến nội dung báo cáo này đồng thời đề xuất nên mở rộng khảo sát DN ở thuộc nhiều lĩnh vực để có cái nhìn đa chiều; cùng với các chính sách của tỉnh các chính sách vĩ mô của Trung ương tác động rất lớn đến DN trên địa bàn vì thế cần có những đánh giá cụ thể hơn cùng với đó cần xây dựng những giải pháp cụ thể với từng ngành, lĩnh vực sát với thực tế hoạt động của DN trên địa bàn.
Tin, ảnh: Hoàng Loan