Người dân phường An Đông (TP. Huế) phân loại rác và thu gom rác nhựa, vỏ lon khó phân hủy để gây quỹ nhân ái
Với quan điểm thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường (BVMT) là cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Thừa Thiên Huế luôn chú trọng thực hiện tốt công tác BVMT; phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, lan tỏa sâu rộng tại các địa phương, góp phần thay đổi diện mạo của đô thị, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.
Ngoài việc triển khai thực hiện phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, tỉnh đang có nhiều giải pháp thiết thực nhằm chống lại rác thải nhựa. Phong trào “Chống rác thải nhựa” và “Nói không với túi ni lông sử dụng 1 lần” đang lan tỏa và đã được các đơn vị, địa phương, cộng đồng dân cư tham gia, tích cực hưởng ứng. Đã có nhiều phong trào, sáng kiến, hành động cụ thể chống chất thải nhựa được triển khai.
Điển hình ở phường An Đông (TP. Huế) triển khai mô hình phân loại rác bằng cách đặt các thùng phân loại rác “Tích góp ve chai tạo quỹ nhân ái” từ năm 2019. Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Đông cũng vừa ra mắt mô hình “Phụ nữ sống xanh”, qua đó thu hút sự tham gia và từng bước thay đổi nhận thức của chị em trong công tác BVMT, hạn chế và nói không với đồ dùng bằng nhựa, ni lông sử dụng 1 lần khó phân hủy; phân loại rác và tận dụng để tái chế, tái sử dụng tùy từng thành phần của rác...
Những mô hình hay về chống rác nhựa, rác ni lông khó phân hủy được lan tỏa ở nhiều đơn vị, địa phương, điển hình là ở các cấp hội phụ nữ. Tuy nhiên, việc sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa đã trở thành thói quen của người dân nên việc cắt giảm hoặc hạn chế việc sử dụng túi ni lông gặp nhiều thách thức. Hiện nay vẫn chưa có các sản phẩm thay thế túi ni lông, chất thải nhựa thực sự hữu hiệu, thân thiện với môi trường, và nếu có thì giá thành của các sản phẩm cao nên việc thực hiện phong trào còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm môi trường do túi ni lông và rác thải nhựa vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi.
Để lan tỏa mạnh mẽ chủ trương của tỉnh, của Chính phủ đến với các cấp, ngành, đơn vị và người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có những định hướng, kế hoạch, hành động, giải pháp cụ thể. Trong đó, tăng cường công tác xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng mỹ quan đô thị thông qua Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh và công tác thanh kiểm tra của ngành.
Tuyên truyền và xây dựng hệ thống phân loại rác tại nguồn; thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý rác thải, chú trọng rác thải nhựa. Sử dụng các sản phẩm với vật liệu hữu cơ dễ phân hủy thay thế túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng 1 lần như từ bã mía, lõi ngô, rơm, rạ, trấu... hoặc các sinh vật ngoại lai cần được tiêu diệt như bèo tây, mai dương...
Song song đó, tỉnh cần đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để có đích đến là công nghệ xử lý rác thải nhựa hiệu quả và thân thiện với môi trường nhất. Nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng phải cam kết không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần trong nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch BVMT.
Tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, shop... cũng nên tuyên truyền, khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với người tiêu dùng mang theo túi xách khi đi mua hàng, thu thêm phí nếu người tiêu dùng lấy túi đựng.
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN