Nhu yếu phẩm cứu trợ được chuyển đến người dân tại Yemen. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Cơ quan của LHQ ước tính rằng, con số kỷ lục 270 triệu người trên toàn thế giới đang bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng, hoặc có nguy cơ cao phải đối mặt với tình trạng này trong năm nay, đánh dấu mức tăng 40% so với năm 2020.

Nhà kinh tế trưởng Arif Husain của WFP nhận định, tình trạng xung đột, biến đổi khí hậu, và đại dịch COVID-19 đã đẩy nhiều người hơn vào cảnh nghèo đói và khốn khổ; hiện nay, giá lương thực tăng cao đã tham gia vào “bộ 3” nguy hiểm này.

Theo WFP, các quốc gia có nhiều khả năng đối mặt với lạm phát giá lương thực cao hơn là những quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực, hoặc những nơi mà các cú sốc về khí hậu hoặc xung đột có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất lương thực địa phương, hoặc những quốc gia bị ảnh hưởng từ sự yếu kém về kinh tế vĩ mô. Trong khi đó, đồng tiền giảm giá đã khiến giá lương thực địa phương ở nhiều quốc gia như Zimbabwe, Syria, Ethiopia và Venezuela tăng lên hơn nữa.

Được biết, mức giá trung bình đối với mặt hàng bột mì ở Lebanon đã tăng 219% so với năm ngoái, giữa lúc bất ổn kinh tế gia tăng; trong khi đó, giá dầu ăn tăng 440% so với một năm trước ở Syria, nơi bị chiến tranh tàn phá. Mozambique, quốc gia đang phải đối mặt với một cuộc xung đột ở phía Bắc, là một trong những “điểm nóng về giá lương thực cao” ở khu vực châu Phi; giá sắn ở quốc gia này đã tăng 45% trong giai đoạn từ tháng 3-5, so với 3 tháng trước đó.

Trên các thị trường giao dịch quốc tế, giá lương thực thế giới đã tăng 33,9% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, theo Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO). Đây là chỉ số đo lường giá của các mặt hàng lương thực như ngũ cốc, hạt có dầu, các sản phẩm từ sữa, thịt và đường. Dù vậy, chỉ số trong tháng 6 đã giảm so với tháng 5, đánh dấu mức giảm đầu tiên trong 12 tháng.

Trong khi đó, giá lương thực tăng cũng đã ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình có thu nhập bị suy giảm bởi đại dịch COVID-19. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), cuộc khủng hoảng có thể đẩy lên đến 97 triệu người trên toàn thế giới vào cảnh nghèo đói vào cuối năm nay.

“Nếu bạn là một gia đình vốn đã chi tiêu 2/3 thu nhập cho lương thực, thì giá thực phẩm tăng cao sẽ gây ra rắc rối. Hãy tưởng tượng điều này sẽ như thế nào nếu bạn đã mất đi một phần, hoặc toàn bộ thu nhập vì đại dịch COVID-19”, ông Arif Husain nói thêm.

Sau khi sụt giảm trong vài thập kỷ, nạn đói trên thế giới đã gia tăng kể từ năm 2016. WFP đang đặt mục tiêu tiếp cận gần 140 triệu người trên toàn thế giới, nhằm cung cấp sự hỗ trợ trong năm nay. Đây được xem là hoạt động lớn nhất từ ​​trước đến nay của cơ quan này.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Reuters & UN News)