Khi tình hình dịch bệnh vẫn đang phức tạp với sự lây lan của nhiều biến thể của virus, thế giới lại đối mặt với biến thể mới là lambda. Ảnh minh họa: Báo Thanh Niên

Một số dạng đột biến của virus, như biến thể Alpha và Delta  lần đầu tiên được phát hiện ở Anh và Ấn Độ có khả năng lây truyền cao hơn so với các chủng virus cũ và chúng hiện đang thống trị toàn cầu. Bất cứ khi nào có biến thể mới xuất hiện, giới chuyên gia và các nhà khoa học sẽ theo dõi các biến thể này một cách chặt chẽ.

Trong lúc thế giới vẫn đang đấu tranh chống lại sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta - biến thể đã soán ngôi Alpha về khả năng lây nhiễm và gây nên các trường hợp bệnh nặng phải nhập viện ở những người chưa được tiêm chủng, hiện nay, giới chuyên gia đang theo dõi một biến thể mới của virus: Biến thể lambda.

Biến thể lambda là gì?

Biến thể lambda, hay còn gọi là “C.37” lây lan nhanh chóng ở Nam Mỹ, đặc biệt là Peru, nơi các mẫu virus được ghi nhận sớm nhất là từ tháng 8/2020.

Tuy nhiên, biến thể lambda chỉ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố là “biến thể đáng quan tâm” vào ngày 14/6 vừa qua, khi các trường hợp được cho là do biến thể này gây nên đã lan rộng.

Trong báo cáo đưa ra vào giữa tháng 6, WHO đã báo cáo rằng “lambda có liên quan đến tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng đáng kể ở nhiều quốc gia, với tỷ lệ lây nhiễm tăng dần theo thời gian, đồng thời tỷ lệ nhiễm COVID-19 cũng gia tăng”. Nhiều cuộc điều tra sẽ được tiến hành đối với biến thể này.

Nơi biến thể xuất hiện

Trong báo cáo ngày 15/6, WHO đã lưu ý rằng biến thể lambda đã được phát hiện ở 29 quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc khu vực trong tổng số 5 khu vực của WHO, bất chấp biến thể có sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở Nam Mỹ.

“Các nhà chức trách Peru báo cáo rằng 81% trong tổng số ca nhiễm COVID-19 ghi nhận từ tháng 4/2021 có liên quan đến biến thể lambda. Argentina đã cảnh báo tỷ lệ nhiễm lambda ngày càng tăng kể từ tuần thứ 3 của tháng 2/2021 và trong khoảng thời gian từ ngày 2/4 đến 19/5/2021, biến thể này chiếm 37% trong tổng số ca nhiễm COVID-19”, WHO lưu ý.

Trong khi đó, ở Chile, tỷ lệ nhiễm lambda tăng theo thời gian, chiếm 32% trong số những ca nhiễm ghi nhận trong 60 ngày qua.

Đến ngày 24/6 vừa qua, biến thể lambda được phát hiện trong các ca bệnh ở 26 quốc gia, bao gồm Chile, Argentina, Peru, Ecuador, Brazil và Colombia, cũng như Mỹ, Canada, Đức, Tây Ban Nha, Israel, Pháp, Anh và Zimbabwe..., theo dữ liệu của Tổ chức Public Health England.

Mức độ nguy hiểm của biến thể lambda

WHO và các cơ quan y tế công cộng khác đang cố gắng tìm hiểu về việc liệu biến thể này có khác gì so với các biến thể trước, bao gồm cả vấn đề biến thể lambda có lây truyền cao hơn và có hiện tượng kháng kháng sinh hay không.

Điều quan trọng đáng lưu ý là biến thể lambda vẫn còn thiếu 1 bước nữa để được chỉ định là “biến thể cần lo ngại” giống như biến thể Alpha và Delta. Trong cuộc họp báo diễn ra vào tuần trước, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove cho biết: “Nó sẽ trở thành một biến thể đáng lo ngại nếu biến thể lambda chứng minh được khả năng lây nhiễm cao, tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh và tác động đến các biện pháp đối phó của chúng tôi”.

Về câu hỏi liệu vaccine có tác động chống lại biến thể, cần phải nhắc lại rằng, phải tiến hành thêm nghiên cứu về ảnh hưởng của biến thể lambda với hiệu quả của vaccine, đặc biệt là đối với các loại vaccine được bán rộng rãi ở phương Tây, chẳng hạn như Pfizer-BioNTech, Moderna, hoặc Oxford-AstraZeneca.

Đan Lê (Lược dịch từ CNBC)