Từ 19/7, Anh sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Reuters/vtv.vn
Cụ thể, vừa qua, Thủ tướng Boris Johnson đã đưa ra các đề xuất loại bỏ yêu cầu về đeo khẩu trang, tiếp xúc xã hội và làm việc tại nhà. Trong cuộc họp báo diễn ra vào ngày 12/7, quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra.
“Đại dịch vẫn chưa kết thúc. Các trường hợp nhiễm mới sẽ tăng lên khi chúng tôi mở cửa trở lại. Bởi vậy, khi chúng tôi xác nhận kế hoạch của mình, thông điệp của chính phủ Anh rất rõ ràng. Thận trọng là yếu tố quan trọng và tất cả chúng ta phải chịu trách nhiệm với hành động của mình để tiến trình hướng đến bình thường hóa không bị gián đoạn”, Thủ tướng Boris Johnson nhấn mạnh.
Được biết, Anh đã triển khai một trong những chương trình tiêm chủng nhanh nhất thế giới, với hơn 87% dân số là người trưởng thành của nước này đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine COVID-19 và 66% đã nhận đủ 2 liều.
Tuy nhiên, những tuần gần đây, Anh vẫn ghi nhận số ca nhiễm gia tăng đáng kể, với tỷ lệ nhiễm cao chưa từng thấy kể từ mùa đông.
Chính phủ Anh lập luận rằng, mặc dù các ca bệnh đã tăng, song số ca tử vong và nhập viện vẫn thấp hơn nhiều so với trước đây. Điều này chứng tỏ vaccine đang cứu sống con người và khiến xã hội trở nên an toàn hơn.
Nadhim Zahawi, Bộ trưởng phụ trách triển khai vaccine của Anh cho biết: Mặc dù việc đeo khẩu trang không còn bắt buộc nữa, nhưng các hướng dẫn của chính phủ vẫn nêu rõ rằng “mọi người nên đeo khẩu trang trong không gian kín”.
Văn phòng thủ tướng chia sẻ, việc bật đèn xanh để dỡ bỏ các hạn chế được thực hiện dựa trên việc đáp ứng 4 tiêu chí kiểm tra bao gồm: đủ số người tiêm chủng, vaccine có hiệu quả trong giảm số ca nhiễm và tử vong, bệnh viện không bị áp lực và các biến thể không gây rủi ro quá lớn.
Những thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh tính đến 7h59p ngày 12/7 theo giờ Việt Nam, Anh ghi nhận tổng cộng hơn 5,1 triệu ca nhiễm COVID-19, số ca tử vong là hơn 128.000 người. Trên thế giới có hơn 187 triệu ca nhiễm, hơn 4 triệu người đã tử vong và gần 172 triệu bệnh nhân đã phục hồi sau khi nhiễm bệnh.
Nhìn chung, các nước vẫn đang nỗ lực chống dịch và hướng đến bình thường hóa nền kinh tế sau những ảnh hưởng do dịch bệnh gây nên. Nam Phi ngày 11/7 tuyên bố gia hạn thực hiện các quy định phòng dịch COVID-19 thêm 14 ngày, mà nói rõ hơn là duy trì các hạn chế bao gồm cấm tụ tập đông người, áp dụng giờ giới nghiêm là 9h tối đến 4h sáng và cấm hoạt động bán rượu trên địa bàn cả nước.
Quy định được triển khai khi quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Phi về số ca nhiễm và tử vong này đang trải qua đợt dịch thứ 3 vô cùng nghiêm trọng. Đây là hậu quả do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.
Đầu tháng này, Nam Phi đã ghi nhận kỷ lục mới với hơn 26.000 ca nhiễm mỗi ngày, khiến các bệnh viện rơi vào tráng thái quá tải.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã nâng mức cảnh báo dịch bệnh lên mức 4 của thang điểm 5 bậc vào cuối tháng 6, khi số ca nhiễm tăng, buộc nước này phải xem xét lại các biện pháp hạn chế sau 2 tuần.
Một ủy ban cố vấn của chính phủ đang đẩy nhanh tốc độ làm việc để sớm đưa vaccine CoronaVac của Sinovac vào chương trình tiêm chủng COVID-19 của nước này.
Cho đến nay, trong tổng dân số 60 triệu người, chỉ có khoảng 4,2 triệu người ở Nam Phi được tiêm chủng. Các quan chức nước này kỳ vọng đến cuối tháng 8, số lượng tiêm chủng hằng ngày sẽ tăng lên ít nhất là 300.000 liều.
Trong một thông tin có liên quan, Tổng thống Ramaphosa cho biết, Liên minh châu Âu và Liên minh châu Phi đã đạt được thỏa thuận để công ty dược phẩm địa phương Aspen cung cấp hơn 17 triệu liều vaccine Johnson & Johnson đến Nam Phi và các nước châu Phi khác trong 3 tháng tới.
Đan Lê (Lược dịch từ Reuters & Worldmeters)