Một Sài Gòn bình yên đến lạ trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: vtv.vn

Đó là một buổi chiều ảm đạm. Một sinh viên người Huế đang theo học tại TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) là tôi chậm rãi bước đi trên con đường quen thuộc mà mình thường đi học, nhưng lần này không phải để đến trường mà để tạt vào một siêu thị lo mua sắm một số nhu yếu phẩm cần thiết, chuẩn bị với cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng ở thành phố lớn nhất và đông dân nhất nước. Và trong một khoảnh khắc, tôi chợt nghe một vài người đang nói chuyện với nhau: “Trong suốt 20 năm qua, Sài Gòn chưa bao giờ buồn đến thế”!

Quả thực, mới chỉ chưa đến một ngày sau khi UBND thành phố ra quyết định thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ thành phố đã chuyển sang một trạng thái “khác lạ” và “xa lạ” rất nhiều so với một Sài Gòn không ngủ, luôn “nhộn nhịp ngựa xe” trước đó. Đúng là đã rất lâu rồi, Sài Gòn mới “buồn đến thế”. Ngoại trừ các cửa tiệm tạm hóa, siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay một số chợ được cấp phép, còn lại các cửa tiệm hai bên các con đường đều trong trạng thái tạm dừng phục vụ. Trên những tuyến phố, không còn là những tiếng còi ầm ĩ, những đợt kẹt xe như mọi khi mà chỉ còn lác đác một vài chiếc gắn máy đang phải ra đường vì những nhu cầu thiết yếu. Số lượng xe ô tô chạy ngoài đường cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dễ bắt gặp nhất là hình ảnh những tài xế Grab đang trên đường giao hàng. Nhưng buồn nhất với tôi là khi bắt gặp hình ảnh một số người vô gia cư đang tha thẩn bên đường, trông ngóng xem thử hôm nay liệu mình có được nhận những suất ăn miễn phí, hoặc tốt hơn nữa là một cái gối, một tấm chăn từ các đội tình nguyện để có thể đi qua thời điểm khó khăn. Dịch bệnh gây khó chung cho xã hội, và với những người vô gia cư như họ, khó khăn vẻ như còn gấp bội phần.

Chưa kịp bước chân vào siêu thị, thêm một cảnh tượng lạ lùng nữa diễn ra trước mắt tôi. Vẫn là những hàng người, nhưng không phải là chen lấn, xô đẩy để mua hàng tích trữ mà là những hàng người đang ngồi ở ngoài cổng để viết khai báo y tế. Mặc dù rất đông người nhưng ai cũng tuân thủ các quy tắc an toàn như đeo khẩu trang hay giữ khoảng cách với những người xung quanh tối thiểu 2 mét. Phải chờ đến 1 tiếng, tôi mới có thể bước được chân vào cổng siêu thị. Với việc giới hạn số người phục vụ trong một thời điểm khiến bên trong trở nên cực kì yên ắng, khác xa với mọi ngày. Phần lớn người mua hàng là những anh shipper do tâm lí người dân cũng rất ngại với việc đi ra ngoài đường, mọi giao dịch chợ búa họ đều trông cậy vào lực lượng shiper cho chắc ăn. Thế cũng hay, cho thấy ý thức cảnh giác với dịch bệnh của người dân, các anh shipper - những người vốn đời sống không lấy gì làm dư dã - lại có thêm một khoản thu nhập cho bản thân và gia đình đi qua mùa dịch. Người đi siêu thị ít, nhưng vì số lượng cho mỗi đơn hàng thường rất nhiều nên hàng hóa trên các kệ vơi đi rất nhanh chóng. Khách hàng nào không may chậm chân thì sẽ không mua được hàng của siêu thị. Quanh đó, những cửa hàng tiện lợi nhỏ bên đường, nơi chỉ tiếp tối đa 2-3 khách hàng 1 lúc cũng luôn trong tình trạng “cháy hàng” tương tự.

Trở về phòng sau một chuyến “hành xác” ở siêu thị, tôi bước ra ngoài ban công, nhìn xuống cảnh vật bên dưới với nhiều nỗi lo trong lòng. Lo vì không biết tình trạng này sẽ diễn ra đến khi nào, lo vì không biết gia đình của mình ở Huế liệu có ổn không, lo cho những người vô gia cư đáng thương ở ngoài kia. Nhưng lo nhất chính là việc tự chăm sóc bản thân mình, nếu như bây giờ được ở nhà, trong vòng tay ba mẹ thì sướng biết mấy…, Nhưng mà biết phải làm sao khi máy bay, tàu hỏa từ Sài Gòn đến Huế đều đã bị phong tỏa. Tôi lắc đầu trở về với thực tại, “hành xác” ở siêu thị nhưng chưa mua được hàng, trong khi lương thực của phòng thì “đang bị uy hiếp”. Đã gần một ngày trôi qua nhưng sinh viên trong kí túc xá vẫn chưa nhận được bất kì thông báo hỗ trợ nào của ban quản lí, ngoại trừ những gói mì hay phở ăn liền. Tối hôm đó, tôi và mấy đứa bạn đã trải qua một đêm khó ngủ vì thấp thỏm lo âu. May sao, sáng hôm sau ban quản lí thông báo sẽ hỗ trợ cung cấp cơm trưa và tối miễn phí cho sinh viên. Những chàng sinh viên kẹt lại như tôi hò reo. Như vậy là chúng tôi không đơn độc. Và Sài Gòn nơi tôi đang sinh sống, học tập sẽ sớm vượt qua cơn bạo bệnh để lại mạnh khỏe, vui tươi như vẫn từng.

Bài, ảnh: Nhật Huy