Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Xin ông cho biết những nhóm đối tượng nào sẽ được hưởng gói hỗ trợ này?

Theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, có 12 chính sách hỗ trợ cho các nhóm đối tượng lần này, gồm:

1. Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

3. Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ.

4. Chính sách hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

5. Chính sách hỗ trợ NLĐ ngừng việc.

6. Chính sách hỗ trợ NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động.

7. Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em.

8. Chính sách hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0). Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

9. Chính sách hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

10. Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh.

11. Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

12. Chính sách hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.

- Gói hỗ trợ này có những gì khác so với Nghị quyết số 42 của Chính phủ năm 2020, cụ thể như về đối tượng được hỗ trợ, thưa ông?

- Điểm khác thứ nhất của gói hỗ trợ này so với gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 là nhóm đối tượng được mở rộng nhiều hơn (12 nhóm đối tượng được hỗ trợ chính sách). Trong đó, có một số nhóm đối tượng mới như: chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ NLĐ ngừng việc; hỗ trợ bổ sung và trẻ em; chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm COVID-19 và người phải thực hiện cách ly y tế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chính sách hỗ trợ một lần đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn và hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19...

Điểm khác thứ hai là gói hỗ trợ lần này có một số nhóm đối tượng không được đưa vào hỗ trợ như: các nhóm đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội và nhóm thuộc hộ nghèo, cận nghèo… Bên cạnh đó, có nhóm đối tượng Trung ương giao cho địa phương trực tiếp xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ.

- Trong nhóm các đối tượng được hỗ trợ, theo ông khả năng nhóm nào sẽ dễ thực hiện chi trả hỗ trợ và nhóm đối tượng nào sẽ gặp khó khăn vì chưa có tiền lệ, khó thống kê?

- Trong nhóm các đối tượng được nhận hỗ trợ từ chính sách hỗ trợ thứ 1 đến chính sách hỗ trợ 11 như kể trên cơ bản dễ triển khai thực hiện, vì đây là nhóm đối tượng lao động có giao kết hợp đồng lao động và được NSDLĐ và NLĐ ký kết chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Riêng chính sách số 7, 8 và 9 thì có số liệu thống kê cụ thể từ các cơ quan quản lý khi có dịch bệnh xảy ra.

Nhóm đối tượng chính sách hỗ trợ đối với lao động là lao động tự do khó thực hiện hơn, vì đây là nhóm đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động, đối tượng hỗ trợ nhiều, phân tán nhiều ngành nghề khác nhau, khó xác định công việc cụ thể, rõ ràng, lại di chuyển nhiều địa phương, làm nhiều việc khác nhau… Chính sách hỗ trợ đối với lao động tự do lần này được Trung ương giao về cho từng địa phương xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ.

Nghị quyết lần này Trung ương quy định rất cụ thể cho từng chính sách của từng nhóm đối tượng. Vì vậy việc triển khai thực hiện sẽ thuận lợi. Mặt khác, đây là gói hỗ trợ lần thứ hai nên các địa phương đã có kinh nghiệm, không bỡ ngỡ, lúng túng như lần đầu vào năm 2020.

Tuy nhiên, gói hỗ trợ lần này có đến 12 chính sách hỗ trợ cho các nhóm đối tượng, riêng chính sách 12, tức là nhóm đối tượng lao động tự do được Trung ương giao về cho địa phương tự xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ. Không có hướng dẫn của Trung ương nên trong triển khai thực hiện sẽ gặp một số khó khăn nhất định, đồng thời tại cơ sở cán bộ mỏng, lại kiêm nhiệm nhiều việc dẫn đến việc hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của người dân đôi lúc thiếu kịp thời.

- Nghị quyết 68 quy định mức hỗ trợ tối thiểu và phân quyền về cho địa phương thực hiện chi hỗ trợ nhóm lao động tự do, vậy kế hoạch của địa phương sẽ triển khai như thế nào?

Sở LĐTB&XH đang tập trung nghiên cứu để tham mưu kế hoạch cho UBND tỉnh triển khai thực hiện trên tinh thần nhóm lao động tự do của Nghị quyết số 42 đã được hỗ trợ, đồng thời nghiên cứu đề xuất các nhóm đối tượng lao động tự do bị ảnh hưởng của dịch bệnh đều được nhận hỗ trợ. Mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.

- Lúc nào gói hỗ trợ này sẽ đến được tay người bị ảnh hưởng?

Hiện Chính phủ mới có Nghị quyết, sau đó Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 hướng dẫn các địa phương. Trên cơ sở đó, Sở LĐTB&XH tham mưu UBND tỉnh kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết và lúc đó mới triển khai hỗ trợ được. Theo tôi, việc này Trung ương sẽ sớm ban hành Quyết định và ngành, địa phương sẽ bắt tay thực hiện ngay để gói hỗ trợ sớm đến được với người bị ảnh hưởng.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

HOÀI THƯƠNG (thực hiện)