Khẳng định vị thế

“Mỹ thuật Huế gần đây có những bước tiến trong hoà nhập với nghệ thuật đương đại mà biểu hiện rõ nhất là qua hoạt động đào tạo sáng tác ngoài giờ của giảng viên và sinh viên Trường đại học Nghệ thuật Huế, đặc biệt là qua các hoạt động mỹ thuật trong các Festival Huế”, TS. hoạ sĩ Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế khẳng định. “Huế trở thành nơi đi đầu trong việc tạo dựng không gian nghệ thuật đương đại và với một mật độ hoạt động nghệ thuật gấp nhiều lần ở các thành phố lớn khác”, TS.Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Tác phẩm sắp đặt Góc cuộc sống tại Triển lãm Đồ hoạ không giới hạn - Trại sáng tác đồ hoạ Huế lần thứ II (6-2014)

Hoạ sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế nhìn nhận: “2014 là năm mỹ thuật Huế có nhiều tin vui, đặc biệt có 2 sự kiện: Festival Mỹ thuật trẻ 2014 và triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2014 nên nhiều thành tích thêm”. Đánh giá về bước tiến của mỹ thuật Huế năm qua, hoạ sĩ Nguyễn Thiện Đức cho rằng, trong tương quan chung Huế vẫn xứng đáng là vị trí thứ 3 chỉ sau Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh ở mảng mỹ thuật tạo hình. Tuy nhiên, qua triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2014, vị trí của mảng mỹ thuật ứng dụng Huế có phần ưu thế khi chiếm tỷ lệ tác phẩm được chọn tham dự khá cao (nhiều hơn TP. Hồ Chí Minh) và vị trí giải thưởng cao, giải nhất và nhì đều thuộc về sinh viên Trường đại học Nghệ thuật Huế, đó là chưa kể các giải khác. “Đây thật sự là tín hiệu đáng mừng, thể hiện chất lượng đào tạo của ngành mỹ thuật ứng dụng và vị thế của Trường đại học Nghệ thuật Huế, của mỹ thuật ứng dụng Huế được ghi nhận và hứa hẹn một triển vọng tốt cho tương lai. Mỹ thuật Huế thời gian qua cũng ghi nhận những gương mặt trẻ triển vọng và có dấu ấn riêng, như Lê Đức Hải - Lê Ngọc Thanh và Trần Tuấn. Hoạt động và tên tuổi của những nghệ sĩ này được khu vực ghi nhận và có chiều hướng tốt trong giới nghệ sĩ đương đại trên thế giới trong tương lai qua rất nhiều dự án đã làm và đang làm”, hoạ sĩ Nguyễn Thiện Đức nói.

Họa sĩ Phan Hải Bằng, Trường đại học Nghệ thuật Huế nhìn nhận: Thành tựu trong năm 2014 chỉ là những gì thấy được của thời gian qua của mỹ thuật Huế và Trường đại học Nghệ thuật Huế, và điều đáng mừng là phần lớn các kết quả trên được dành cho các tác giả trẻ”. Theo hoạ sĩ Phan Hải Bằng, bên cạnh các hoạt động “chính thống” của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế và Trường đại học Nghệ thuật Huế, những hoạt động có tính chất xã hội hóa - phi bao cấp, vốn không lệ thuộc vào cơ chế nhà nước cũng như các khuôn khổ được định sẵn và đầy cởi mở đã mang lại “hơi thở” mới cho mỹ thuật Huế. Đó là những kết quả, dấu hiệu khả quan về quan niệm, cách thể hiện, tìm tòi... cho cả nghệ sĩ lẫn người thưởng ngoạn. Đi đầu, phải kể đến là những tổ chức phi lợi nhuận, như New Space Arts Foundation, Then Cafe... với nhiều hoạt động phong phú, như sáng tác, triển lãm, giao lưu trao đổi..., tạo ra những cơ hội cho các nghệ sĩ trong và ngoài nước, đặc biệt là nghệ sỹ trẻ có cơ hội thể nghiệm, bày tỏ quan điểm sáng tác cũng như những ý tưởng tìm tòi mới của mình. Điều mà các nghệ sĩ trẻ khó có thể làm được với hoạt động “chính thống”.

Trại sáng tác Đồ họa Huế lần 2 - một hoạt động nghệ thuật mang tính xã hội hóa tạo hiệu ứng thẩm mỹ, giáo dục và xã hội khá tốt trong năm 2014 (trong ảnh, người xem đến tham quan Triển lãm Đồ hoạ không giới hạn, hoạt động chính của Trại sáng tác lần này)

Trăn trở và kỳ vọng

“Đa phần nghệ sĩ phải vượt qua khó khăn, khắc nghiệt của đời thường để đeo bám đam mê nghề nghiệp, họa sĩ Nguyễn Thiện Đức nói. Làm nghệ thuật vốn phải chấp nhận nghịch cảnh: Nếu lấy nghệ thuật để tính chuyện mưu sinh thì khó lòng thành công vì phải chạy theo thị hiếu, nhu cầu của “người mua”. Hoàn cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam đang khó khăn, giới sưu tập chuyên nghiệp không nhiều, nghệ sĩ phải tự lo liệu, xoay xở để đầu tư và tái đầu tư cho nghề nghiệp. Mặc dù vậy, mình vẫn hy vọng với truyền thống kế tục của giới mỹ thuật Huế, bên cạnh những hoạ sĩ, nghệ sĩ gạo cội, một lực lượng đông đảo anh em trẻ yêu nghề, nhiệt huyết..., mỹ thuật Huế sẽ tự tin có những bước đi vững vàng hơn nữa trong năm mới”.

“Hạn chế lớn nhất của mỹ thuật Huế là các nhà quản lý và giáo dục nghệ thuật chưa có một chính sách thoả đáng cho việc đầu tư, tạo môi trường và giáo dục nghệ thuật cho cả nghệ sĩ lẫn người thưởng ngoạn, bắt đầu từ quan niệm nghệ thuật trở đi”, hoạ sĩ Phan Hải Bằng trăn trở. “Một môi trường/thị trường nghệ thuật thích hợp, năng động; một chính sách thích hợp, cập nhật cho các nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ có cơ hội thể hiện mình - bởi chính họ sẽ đại diện cho nghệ thuật Huế trong tương lai; một bảo tàng mỹ thuật là điều tối cần thiết cho mỹ thuật Huế trong tương lai. Muộn ngày nào, chúng ta sẽ thiệt thòi ngày đó, khi mà năng lượng sáng tạo sẽ dần mất đi do những “di cư” cả tinh thần lẫn thực thể khỏi Huế. Một kỳ vọng nữa cho mỹ thuật Huế trong năm tới là một giải thưởng mỹ thuật mang tên Tôn Thất Đào, người Hiệu trưởng đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế, tiền thân Trường đại học Nghệ thuật Huế”, bây giờ hoạ sĩ Phan Hải Bằng nhấn mạnh.

Theo TS.Phan Thanh Bình, “dẫu mỹ thuật Huế có một vị trí riêng, một phong cách tạo hình không thể trộn lẫn giữa nhiều vùng miền nhưng những hoạ sĩ trẻ ở đây vẫn chưa đủ tầm và điều kiện để tự khẳng định. Họ rất dễ nổi bật trong một khoảng không gian nào đó của lễ hội, của những sự kiện văn hoá, của những triển lãm trẻ toàn quốc,... nhưng lại dễ bị hoà tan, mất dấu trong những khoảng lặng sau đó. Đây là điều mà mỹ thuật Huế cần phải khắc phục, xây dựng được nền tảng cơ sở vững chắc cho sự đào luyện và khơi dậy năng lực sáng tạo của nghệ sĩ trẻ”. TS Phan Thanh Bình kỳ vọng: “Huế là một nơi có truyền thống văn hoá, những con người thực sự có tài, là nơi mà có thể tiếp nhận những cái mới mạnh bạo nhất những vẫn phù hợp với thuần phong mĩ tục của người Huế. Đó là cơ sở bền vững nhất của sự phát triển mỹ thuật Huế hôm nay và mai sau”.

Tại Festival Mỹ thuật trẻ 2014 tháng 9-2014, Thừa Thiên Huế có 4 tác giả đoạt giải khuyến khích là Ngô Đình Bảo Vi với tác phẩm tình yêu là đủ cho tình yêu, sắp đặt trúc chỉ; Lê Việt Trung - Người bạn, lụa; Trần Ánh Phi - Ký ức làng quê II, đồ họa trúc chỉ; Trần Thị Như Hải - Bình yên, đồ hoạ sắp đặt. Trong 4 tác giả này có 3 người là giảng viên, sinh viên Trường đại học Nghệ thuật Huế, 2 trong số đó là sinh viên bộ môn đồ họa, đồng thời 2 trong số đó là họa sĩ thuộc dự án trúc chỉ. 14/16 tác giả Thừa Thiên Huế có tác phẩm được chọn trưng bày tại Festival mỹ thuật trẻ là giảng viên, cán bộ, sinh viên và cựu sinh viên của Trường đại học Nghệ thuật Huế.
 
Năm 2014, hoạ sĩ Phạm Hoàng Anh đoạt giải C tại triển lãm mỹ thuật Bắc miền Trung lần thứ XIX tại Huế tác phẩm Ánh sáng thiên nhiên II, acrylic. Hoạ sĩ Nguyễn Thiện Đức - giải tặng thưởng tại triển lãm mỹ thuật Bắc miền Trung lần thứ XIX tại Huế, tác phẩm Cầu mưa, mực đen trên toan.
 
Trước đó, tháng 2-2014, Thừa Thiên Huế có 3 tác giả có tác phẩm được bảo tàng mỹ thuật Việt Nam sưu tập đưa vào trưng bày và lưu trữ là hoạ sĩ Nguyễn Thiện Đức, Võ Xuân Huy và Lê Thừa Tiến...

 

Bài, ảnh: Ngọc Hà