Dáng thế huyền chi lạc địa (cây khế)

 

Phong phú, đa dạng

Thú chơi cây cảnh không dừng lại ở góc độ tự phát hoặc phát triển theo hướng thu thập nguồn gen để giúp người chơi hòa mình vào thiên nhiên mà nó còn phát triển theo hướng hình tượng hóa một triết lý sống như tạo ra bộ tam hạp “Phúc - Lộc - Thọ” bằng ba loài cây sung, mưng (lộc vừng) và tùng; bộ tứ quý “Sung - Mãn - Quan - Quý” bằng bốn loài cây sung, mãng cầu (Na), quan âm, nguyệt quý; bộ tứ thời “Mai – Lan – Cúc – Trúc”. Theo hướng này, ngày nay nhiều người còn chơi bộ tứ sinh thái “Sim - Mua - Tràm - Chổi” biểu thị cho vùng đất chua phèn, trơ cằn sỏi đá, nghèo dinh dưỡng nhằm thuyết minh cho triết lý “cuộc sống là sự thích nghi”.
Thú chơi cây tiểu cảnh (còn gọi là cây cảnh mi-ni) là một trào lưu ngày càng có chiều sâu được cộng đồng ưa thích. Xu hướng đất hẹp, người đông, không phải ai cũng có thể sở hữu một biệt thự với một sân vườn đủ để bài trí những cây cảnh lớn, nhất là ở vùng đô thị, ngày càng có xu hướng phát triển nhà hộp và chung cư. Với kiểu nhà đó, với không gian trống hạn chế thì việc chọn cho mình những cây cảnh mi-ni để trưng bày là rất hợp lý, đó là chưa nói rằng cây cảnh mi-ni rất phù hợp cho việc bài trí trong nhà. Đưa cây cảnh mi-ni vào nhà là cách làm một công đôi ba việc. Ai cũng biết khi chọn chủng loại cây xanh thích hợp đưa vào nhà sẽ làm tăng khả năng thanh lọc không khí vì chúng hút được bụi bặm, mùi hôi, các khí độc... Chọn dáng thế cây cảnh mi-ni phù hợp sở thích cá nhân sẽ tạo điều kiện cho chủ nhân thư giãn sau những giờ làm việc mệt nhọc. Các bậc tường cầu thang, góc tường phòng khách, góc bàn làm việc, khoảng trống bên cửa sổ... nếu được bài trí hợp lý, những cây cảnh mi-ni sẽ làm cho không gian thêm phần sinh động. Tùy độ lớn, độ rộng của không gian nội thất, người ta chọn kích cỡ chậu cây cảnh mi-ni để tạo sự hài hòa sẽ tạo ra những điểm nhấn mỹ thuật làm cho không gian nhà đẹp hơn, cuộc sống gia đình thú vị hơn. Cũng có người dùng cả một mảng tường để chơi cây cảnh mi-ni, tạo ra một bức tường xanh sinh động, hấp dẫn. Non bộ cũng là một tiểu cảnh kết hợp trưng bày cây cảnh mi-ni với nuôi cá cảnh. Lắm nhà thiết kế một góc sân để tạo một lồng chim dạng mở trong đó những chú chim nho nhỏ bay nhảy tung tăng giữa những cây cảnh mi-ni nhiều chủng loại.

Dáng thế thác đổ (cây linh sam)

 
Đầu tư khối óc và con tim

Phong trào chơi cây cảnh mi-ni càng phổ biến. Điều này cũng dễ hiểu, bởi với cây cảnh mi-ni, bất kỳ ai cũng có thể sở hữu cho mình dăm ba chậu nhỏ, thậm chí nhỏ bằng lòng bàn tay. Cây cảnh mi-ni có nhiều ưu thế: nhỏ gọn dễ trang trí nội thất, dễ di chuyển, chăm sóc; giá thành thích hợp với túi tiền nhiều người; người sản xuất có thể sản xuất hàng loạt mà không đòi hỏi nền đất rộng, dễ bán hàng lưu động, có thể bán hàng thường xuyên; người không chuyên cũng có thể tự tạo cho mình vài ba cây cảnh mi-ni...

Chơi cây cảnh mi-ni đòi hỏi sự tinh tế, vì người chơi phải đầu tư cả khối óc và con tim để chăm sóc, nâng niu, cắt tỉa, sửa sang dáng thế. Khi chơi cây cảnh mi-ni, người chơi luôn hướng tới chân thiện mỹ, vì họ biết rằng để có được những cây cảnh mi-ni đẹp, luôn phải tìm tòi, học hỏi để hoàn thiện và hơn ai hết họ cũng biết rằng, cây cảnh vô cùng phong phú và đa dạng – phong phú chủng loại, đa dạng dáng thế. Bất kỳ một loài cây thân gỗ nào, dù sống ngoài tự nhiên có kích cỡ lớn đến bao nhiêu, khi đã lọt mắt nghệ nhân cây cảnh thì nó cũng có thể biến thành cây tiểu cảnh trong lòng bàn tay. Những cây đa, cây đề, cây sanh, cây cừa... đồ sộ trong môi trường tự nhiên hay trong hệ thống cây xanh đô thị cũng đã trở thành cây cảnh trong những chậu cây lớn – nhỏ khác nhau, trong đó cũng lắm trường hợp trở thành cây tí hon già tuổi trong chậu kiểng đường kính vài chục phân. Nghệ thuật tạo cây cảnh mi-ni cũng vô cùng tinh tế. Nhiều cây cảnh mi-ni được gắn kết tài tình bên một gốc gỗ lũa mà lắm trường hợp người chiêm ngưỡng không thể nhận ra sự gắn kết nhân tạo.
Nhiều khi các nghệ nhân cây cảnh mi-ni biết tận dụng nguồn cây xanh phi mục đích ngoài môi trường tự nhiên hoặc cây trồng bị tác động tiêu cực không còn tác dụng mong muốn để biến chúng thành những cây cảnh mi-ni giá trị. Chẳng hạn như một gốc cây chổi suể (chổi rành, thanh hao) qua bao năm tháng bị cắt cành làm chổi, tồn tại dưới dạng một gốc gỗ già cỗi, sần sùi, u nần, trơ trụi đã được nghệ nhân cây cảnh đưa về cho vào chậu để chăm sóc, nuôi dưỡng, tạo thế rồi biến thành một tác phẩm tiểu cảnh đặc trưng. Một cây chạc chìu xa lạ với cư dân đô thị, sống lầm lũi trong đám thực vật hoang dại trên rẻo đồi hoang, trên rú cát hoang hóa... đã được nghệ nhân mang về để biến thành một kiện tướng cây cảnh mi-ni có dáng thế đẹp mắt. Một gốc cây phi lao (dương liễu) xiêu vẹo, trụi cành do trâu bò dẫm đạp, mất hết tác dụng tạo rừng hay cho gỗ, qua bàn tay người chơi cây cảnh đã trở thành một sản phẩm giá trị được nhiều người ưa chuộng...
Chơi cây cảnh mi-ni là một thú phong nhã và giản đơn, không đòi hỏi điều kiện kinh tế cao, không cần không gian rộng lớn, rất dễ phát triển rộng rãi. Huế là một trung tâm điển hình của cả nước đã và đang nuôi dưỡng phong trào chơi cây cảnh mi-ni. Trước đây đã có nhiều dịp thành phố tổ chức hội thi hoặc trưng bày triển lãm cây cảnh mi-ni vào những ngày xuân và Festival Nghề truyền thống. Tuy thế, người viết cũng vẫn mong sao có một “Hội chợ cây cảnh mi-ni” được lồng ghép trong một kỳ Festival để cho cộng đồng chiêm ngưỡng, học tập, đồng thời kích thích phát triển thú chơi cây cảnh mi-ni, xem nó là nét văn hóa cần được bảo tồn.

Cây cảnh mi-ni trên đá

 
Đỗ Xuân Cẩm