Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thừa Thiên Huế

Chưa thu hút được du khách

Thông tin tại hội thảo Định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, Chánh Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới Nguyễn Minh Tiến cho biết, du lịch nông thôn nói chung khá đa dạng. Các loại hình du lịch nông thôn chủ đạo hiện nay là du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.

Thống kê sơ bộ cho thấy, cả nước hiện có 365 điểm du lịch nông thôn. Trong đó, phần lớn đang được khai thác theo mô hình du lịch cộng đồng. Hoạt động du lịch nông thôn đã và đang đem lại những đóng góp tích cực cho cả ngành du lịch, cũng như sự phát triển của khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Bộ NN&PTNT đã triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Dù thời gian ngắn nhưng chương trình đã đạt được nhiều kết quả, khơi dậy được tiềm năng du lịch nông thôn của các địa phương. Hiện, cả nước có hơn 4.900 sản phẩm OCOP; trong đó, bước đầu có 37 sản phẩm du lịch cộng đồng được công nhận 3 sao, 4 sao.

Dù vậy, đánh giá của Bộ NN&PTNT cho thấy, du lịch nông thôn hiện còn nhiều khó khăn, hạn chế. Số lượng lao động tham gia vào du lịch nông thôn chưa nhiều. Ước tính tại các tỉnh, TP có trung bình khoảng 500 – 1.000 lao động trong lĩnh vực du lịch nông thôn. Du lịch nông thôn hiện vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ, do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp. Mô hình tổ chức du lịch nông thôn cũng chủ yếu mang tính chất tự phát.

Sản phẩm du lịch nông thôn của nhiều địa phương hiện chưa đặc sắc. Đặc biệt, thị trường khách du lịch nông thôn còn nhiều hạn chế, chủ yếu vẫn là khách trong nước (nội địa) và khách tại chỗ (trong tỉnh, TP). Một số trung tâm du lịch bước đầu có thêm du khách nước ngoài, nhưng số lượng còn ít như: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Lào Cai, Quảng Ninh…

Ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng, để phát triển du lịch nông thôn cần có chủ trương, cơ chế và chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Đó là, các chính sách về quản lý đất đai, hạ tầng, về quản lý du lịch nông thôn, hỗ trợ du lịch nông thôn, quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông thôn…

Để quản lý du lịch nông thôn, cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, định mức kỹ thuật về điểm du lịch cộng đồng, trang trại du lịch, du lịch nông nghiệp và tiêu chuẩn dịch vụ du lịch nông thôn; vận hành hệ thống công cụ đánh giá, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch nông thôn.

Cần có chính sách phát triển tổng thể

Điểm du lịch sinh thái tại A Lưới. Ảnh: Thượng Hiển

Phát triển du lịch nông thôn được Bộ NN&PTNT xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Nông thôn phát triển cũng là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững cho lĩnh vực du lịch.

Mục tiêu cụ thể của đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” đến năm 2025 là hoàn thành quy hoạch mạng lưới điểm du lịch nông thôn; có ít nhất 200 dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, có ít nhất 10% sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn 5 sao. Bên cạnh đó, có ít nhất 50% làng nghề truyền thống tham gia vào chuỗi giá trị du lịch nông thôn…

Để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, cần sớm có chủ trương, cơ chế, chính sách đồng bộ từ T.Ư đến địa phương. Cùng với đó là định hướng phát triển với những giải pháp cụ thể về tổ chức không gian, quản lý du lịch nông thôn. Cách thức huy động nguồn lực. Phát triển các sản phẩm du lịch và đặc biệt nâng cao chất lượng nhân lực.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL) Nguyễn Thị Thanh Hương cũng đồng tình với đề xuất quan điểm về tính cấp thiết của hệ thống cơ chế, chính sách. Theo bà Hương, hiện nay vẫn chưa có chính sách tổng thể về du lịch nông thôn ở cấp Quốc gia. Các chính sách phát triển mới dừng ở việc lồng ghép, vận dụng vào các chương trình phát triển và các chính sách đặc thù của địa phương.

Nhằm thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành cho rằng, cần thiết phải thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch không gian phát triển du lịch nông thôn cần gắn với đặc trưng sinh thái vùng miền, chú trọng bảo tồn giá trị văn hoá lịch sử.

Phát triển du lịch nông thôn cũng cần hướng đến khai thác sự sáng tạo, khác biệt về văn hoá, cảnh quan sinh thái để tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với thị trường. Đặc biệt, cần chú trọng khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết với các ngành nghề, dịch vụ liên quan nhằm cung cấp đa dạng các trải nghiệm, thu hút, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách trong và ngoài nước…

Bài, ảnh: Thái Sơn