Cán bộ ĐBP Hương Nguyên đến thăm hỏi, động viên và tặng quà hỗ trợ người già neo đơn

Ở tuổi ngoài 80, cụ bà Nguyễn Thị Táp (thôn Chi Đu Nghĩa, xã Hương Nguyên, huyện A Lưới) sống cô quạnh một mình trong căn nhà tạm bợ. Không chồng, không con, việc chăm sóc cụ Táp được họ hàng gần nhà và bà con lối xóm đảm nhận giúp đỡ.

Ghi nhận hoàn cảnh neo đơn của cụ Táp, cán bộ chiến sĩ ĐBP Hương Nguyên đã đảm nhận phụng dưỡng với mức hỗ trợ từ 200 - 300 nghìn đồng/tháng.

“Mỗi tháng, các chú ở đồn biên phòng đều đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ nhu yếu phẩm, giúp tôi trang trải cuộc sống và vơi bớt nỗi cô quạnh khi tuổi cao sức yếu”, bà Táp chia sẻ.

Theo thông tin từ ĐBP Hương Nguyên, mô hình “Hỗ trợ phụng dưỡng người già neo đơn” được đơn vị triển khai từ năm 2015. Sau khi làm việc với UBND các xã trên địa bàn phụ trách, đơn vị đã chọn 5 hoàn cảnh người già neo đơn để hỗ trợ tiền mặt, nhu yếu phẩm mỗi tháng.

Trung tá Lê Văn Tuấn, Chính trị viên ĐBP Hương Nguyên cho biết, địa bàn đơn vị đảm nhận chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (Kơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô, Mường...), điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Để góp phần cải thiện đời sống cho người dân, nhất là những hoàn cảnh “đặc biệt”, Đảng ủy và Ban Chỉ huy đồn xây dựng các mô hình an sinh xã hội, giúp đỡ bà con.

Từ ý tưởng đó, ĐBP Hương Nguyên đã triển khai mô hình “Nâng bước em đến trường” và “Hỗ trợ phụng dưỡng người già neo đơn”. Đảng ủy đồn đã ra nghị quyết lãnh đạo huy động nguồn lực đóng góp từ cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị để tổ chức thực hiện các mô hình.

Hằng tháng, đại diện Ban chỉ huy đơn vị thăm và động viên các cụ, qua đó thắt chặt tình quân dân, được chính quyền địa phương và bà con nhân dân ghi nhận. Mỗi dịp lễ, tết, ĐBP Hương Nguyên cắt cử lực lượng đến hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa, sửa chữa lại những chỗ hư hỏng để các cụ ổn định cuộc sống.

Theo Trung tá Lê Văn Tuấn, đơn vị đóng quân trên địa bàn xã biên giới vùng cao, công tác phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân trên địa bàn, dựa vào quần chúng nhân dân để thực hiện nhiệm vụ luôn được đặc biệt quan tâm. Những mô hình hỗ trợ an sinh xã hội đã góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân vùng biên giới, tăng cường đoàn kết dân tộc, thực hiện các chủ trương và chương trình phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước, tích cực xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng nền biên phòng toàn dân và các thế trận an ninh nhân dân trên vùng biên giới.

“Hiện nay, có 2 trường hợp được mô hình hỗ trợ đã qua đời, thời gian tới ĐBP Hương Nguyên sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương rà soát, lựa chọn hỗ trợ thêm 2 trường hợp để duy trì mô hình trên”, Trung tá Lê Văn Tuấn cho biết thêm.

Bài, ảnh: Minh Nguyên