Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận. Ảnh: Gia đình cung cấp

Sau một thời gian lâm bệnh, họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận đã rời cuộc chơi nơi trần thế vào lúc 16h ngày 14/7, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu mỹ thuật.

Không hề được đào tạo qua trường lớp chuyên nghiệp, nhưng họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận bằng năng khiếu, đam mê và tinh thần học hỏi đã tạo cho mình lối đi riêng trong hội họa, chân thành mà vẫn rất sang trọng, quý phái.

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu cho rằng, chính nhờ không qua đào tạo trường lớp nên họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận vẽ theo cách của mình, bằng tất cả sự nhiệt huyết, tình yêu và niềm đam mê, tạo nên phong cách độc đáo rất riêng. Lăn lộn và trưởng thành từ cuộc sống nên khi ông vẽ về đời sống, người xem tìm thấy trong tác phẩm sự đồng cảm, gần gũi.

Hầu hết tác phẩm của họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận diễn đạt những cảm xúc nhẹ nhàng. Tranh của ông thiên về chất lãng mạn, sâu lắng và thể hiện nỗi niềm thân phận, pha chút gì đó đặc trưng của mỹ thuật Huế. Mỗi bức tranh là một cuộc độc thoại âm thầm đầy day dứt với những chuyến phiêu lưu trong thế giới nội tâm đa sầu, đa cảm. Mỗi giai đoạn, ông chọn cho mình một cách thể hiện nội tâm riêng biệt.

Nhà thơ Lê Huỳnh Lâm cho rằng, quá trình sáng tác của họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận có thể khái quát qua các dòng tranh: Dòng tranh đồng dao với những tác phẩm “Chợ Gia Lạc”, “Cá mặt trăng”, “Con mèo trèo cây cau”, “Chơi ô làng”;  dòng tranh vẽ phố với “Phố chờ”, “Phố mùa đông”; dòng tranh dã thú, bán trừu tượng với “Nhà có hoa Tigôn”, “Những ổ khóa”; dòng tranh thiếu nữ, tĩnh vật với tác phẩm “Sân thượng”, “Của một người đã tới”, “Những người đi mua không khí”…

Thành công nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông là loạt tranh vẽ về phố. Chất hoang dã của những con phố chiều được ông vẽ bằng màu tro lạnh, lác đác những khoảng sáng phía xa mờ, ẩn bên dưới bầu trời ảm đạm đó là những ngôi nhà tĩnh lặng. Một dáng phố mỏng manh sau sương sớm, dáng phố cô đơn và lặng lẽ đến chạnh lòng… đều là con phố kỷ niệm của ông.

Thời trai trẻ, họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận sống lang bạt trên nhiều miền đất nuớc. Từ những thị trấn miền Trung khốn khó với biển xanh cát trắng đến vùng cao nguyên của cây ngàn, gió núi hoặc phương Nam phóng khoáng tình người…, mỗi nơi chốn đi qua đều nuôi dưỡng ngọn nguồn sáng tạo và để lại dấu ấn trong tác phẩm của ông. Phiêu bạt thời trai trẻ cũng làm nên sự khác biệt trong phong cách sáng tác của họa sĩ.

Đầu năm 2009, họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận chẳng may bị tai biến nặng nhưng chỉ hơn 6 tháng sau, bằng nghị lực và tình yêu nghề thiết tha, ông đã cố gắng ngồi xe lăn tập vẽ trở lại. Những tác phẩm được ông sáng tác trong thời gian dưỡng bệnh theo lối vẽ biểu hiện, đơn giản mà thật, run rẩy mà rung động.

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Là một gương mặt tiêu biểu của mỹ thuật Huế, cùng với những tên tuổi: Đinh Cường, Dương Đình Sang, Bửu Chỉ…, họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận tạo được dấu ấn lớn trong lòng người yêu mỹ thuật. Ông ra đi là sự mất mát lớn đối với mỹ thuật Huế và người yêu mỹ thuật. Rất may vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã sưu tập một số tác phẩm của họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận. Đây là cơ hội cho những thế hệ sau được chiêm ngưỡng nghệ thuật của ông”.

Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận sinh năm 1942 tại Huế, là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1969, ông đã có triển lãm cá nhân đầu tiên tại Đà Nẵng. Tranh của họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận từng tham dự triển lãm tại Mỹ, Pháp, Hồng Kông, Singapore và các cuộc triển lãm cá nhân ở nhiều nơi trên thế giới; được sưu tập tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Singapore cũng như trong các bộ sưu tập tư nhân ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Minh Hiền