PGS.TS Nguyễn Hoàng Khánh Linh giải đáp thắc mắc của các thí sinh (Ảnh chụp thời điểm trước bùng phát dịch COVID-19)

Đến Khoa Quốc tế, ĐH Huế, tôi thấy cán bộ khoa đang trả lời những thắc mắc của thí sinh qua đường dây nóng. PGS.TS. Nguyễn Hoàng Khánh Linh, Khoa trưởng Khoa Quốc tế cho biết, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh đã gọi đến đường dây nóng để nhận những tư vấn về chọn ngành học phù hợp với bản thân. Trong đó, có nhiều thí sinh hứng thú với ngành truyền thông đa phương tiện và kinh tế tài nguyên thiên nhiên của khoa. “Đây là hai ngành mới của Khoa Quốc tế năm nay. Trước đây, các bạn học sinh muốn theo học hai ngành này phải vào TP. Hồ Chí Minh hoặc ra Hà Nội. Khoa Quốc tế bắt đầu thực hiện đào tạo hai ngành học này đáp ứng được nhu cầu và mong muốn học tập của các bạn thí sinh tại các tỉnh miền Trung”, PSG.TS Nguyễn Hoàng Khánh Linh nhận định.

Chương trình học của hai ngành học này do ĐH Huế tổ chức đào tạo, sinh viên sẽ theo học tại Khoa Quốc tế trong 4 năm. Những sinh viên có thành tích tốt sẽ có cơ hội được tham dự những chương trình trao đổi, giao lưu với các đối tác của Đại học Huế và Khoa Quốc tế tại Anh, Pháp, Mỹ… Với 50 chỉ tiêu cho mỗi ngành học, Khoa Quốc tế đã đón nhận rất nhiều hồ sơ xét tuyển thẳng đến của học sinh khắp các tỉnh miền Trung. Đặc biệt, có những bạn ở các tỉnh phía Bắc cũng gửi hồ sơ để xét tuyển thẳng, cho thấy sức hút rất lớn từ ngành truyền thông đa phương tiện cũng như kinh tế tài nguyên thiên nhiên.

Theo đại diện ĐH Huế, theo học ngành truyền thông đa phương tiện, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức về kinh doanh, marketing, hành vi khách hàng, thương hiệu và đặc biệt là digital marketing, truyền thông chuyên nghiệp, sáng tạo nội dung… “Ngành truyền thông đa phương tiện đang là ngành có tốc độ tăng trưởng cao và tạo ra nhiều việc làm với thu nhập cao. Đây cũng là ngành học phù hợp với các bạn học sinh năng động, có tư duy sáng tạo. Do đó ngành truyền thông đa phương tiện thu hút được rất nhiều thí sinh đăng ký nguyện vọng”, PGS. Linh cho biết thêm.

Bên cạnh truyền thông đa phương tiện, ngành kinh tế tài nguyên thiên nhiên cũng nhận được sự chú ý của đông đảo các bạn học sinh. “Đối với ngành học này, các em sẽ được học về sự tương tác giữa hệ thống kinh tế và hệ thống môi trường; nghiên cứu cách thức khai thác, sử dụng tối ưu, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường từ các hoạt động kinh tế. Trong bối cảnh suy giảm tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam hiện nay, ngành kinh tế tài nguyên thiên nhiên được xem là một ngành học mang tính thời sự”, đại diện Khoa Quốc tế phân tích.

Sau kỳ thi THPT, các thí sinh sẽ có thời gian để cân nhắc, đăng ký lại nguyện vọng. Trong những ngày này, Khoa Quốc tế đón nhận rất nhiều những thắc mắc cần tư vấn về ngành học, đặc biệt là hai ngành học mới, qua các kênh thông tin như đường dây nóng, email, mạng xã hội. Những thông tin về ngành học, cách thức đăng ký nguyện vọng, đổi nguyện vọng trực tuyến được cập nhật thường xuyên trên các kênh thông tin của Khoa Quốc tế.

“Trước kỳ thi, Khoa Quốc tế cũng tổ chức tư vấn tuyển sinh tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh, cũng như đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng mạng xã hội nhằm phổ biến những ngành học của khoa, những chương trình trao đổi với các trường đối tác cũng như những gương mặt sinh viên tiêu biểu để thu hút thí sinh. Trong thời gian này, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên Khoa Quốc tế tiếp tục cập nhật những hướng dẫn thay đổi nguyện vọng cũng như tư vấn cho các thí sinh phần nhiều thông qua hình thức trực tuyến”, PSG.TS. Nguyễn Hoàng Khánh Linh chia sẻ.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH