Vợ đâu có biết anh vừa tham dự một cuộc họp báo kệch cỡm đến nhường nào. Chủ nhân là cô ca sĩ vừa ra album mới. Cô mặc một chiếc váy phản cảm và hát như tra tấn người nghe. Khách mời cũng không kém cạnh khi tận dụng cơ hội phơi da thịt trong những bộ cánh thiếu vải và sặc sỡ như bầy  tắc kè hoa. Nhưng Thành vẫn phải ngả nghiêng bấm máy xoành xoạch cốt có được vài kiểu ảnh đẹp đưa lên mặt báo sáng mai kèm những lời tâng bốc. Nhận vài triệu tiền phong bì bồi dưỡng tức là nhận làm một con rối không hơn. Kể từ khi chuyển sang làm mảng giải trí cho một trang báo mạng Thành đã dự cả trăm event như thế. Tưởng đã quen nhưng hôm nay trên đường về Thành gặp lại Kha, người học chung khóa trong trường báo chí. Người mà anh không bao giờ dám nhận là đồng nghiệp với mình. Đó là người sống chết với nghề báo và đi đến tận cùng sự thật. Người mà lần nào gặp, Thành cũng tự cúi đầu.

Kha từng là đôi bạn cùng tiến của Thành. Cái thời sinh viên chỉ cốt ăn no bụng để có sức học hành và bươn chải đủ thứ ấy có lẽ được gọi là “thanh xuân”. Kha hay rủ Thành ôn học xuyên đêm mà lương thực tiếp sức chỉ là mì tôm sống, mấy gói cà phê, chè pha đặc. Thành tích của hai người cao ngất ngưởng, nhưng đó không phải là đích đến. Kha nói học phải đi đôi với hành, lý thuyết suông vô vị lắm. Thế là một hôm Kha rủ:

- Tụi mình đi viết báo đi?

- Bằng con xe đạp cà tàng này à?

- Chẳng cần phải đi đâu xa. Xung quanh tụi mình đầy vấn đề nhức nhối đấy thôi. Chỉ có điều nó như cái dằm chìm sâu trong thịt da. Việc của tụi mình là tìm ra nó, nhổ nó lên.

Thế là đi. Rong ruổi khắp các ngõ ngách, lùng sục trong từng bãi rác thành phố, len lỏi chợ đen. Những bài phóng sự đầu tiên được viết bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ. Cân nhắc kỹ lưỡng từng câu từng chữ. Không ngại khó khăn gian khổ mà đi đến tận cùng sự việc. Hồi ấy ăn mì tôm thay cơm là chuyện thường tình. Mà phải là loại mì tôm “cởi truồng” bán cả ký toàn sắn và phẩm màu. Nhưng đói nên vẫn thấy ngon, rắc vài cọng rau thơm là thành đặc sản của sinh viên nghèo. Tiền nhuận bút một bài báo đủ ăn cơm căng tin cả tuần. Nhưng cả hai bảo nhau “để dành tiền mua sách”. Những cuốn sách viết về nghề báo đều được lùng sục để mua. Có những ngày nghỉ cắm đầu ở hiệu sách cũ tìm mua bằng được một cuốn sách quý. Hồi ấy, cứ được đọc một cuốn sách hay là quên luôn thế giới xung quanh, quên cả cơn đói bụng đang cồn cào gan ruột. Kha nói “sau này nhất định tụi mình phải có những thiên phóng sự để đời”. Mười năm sau, Kha thành nhà báo trẻ tiêu biểu. Anh em làng báo nhắc đến Kha đều phải dè chừng. Ít ai biết Kha từng viết nhiều bài báo mà không được đứng tên. Chấp nhận núp dưới bóng người khác để có cơ hội bước chân vào tòa soạn báo uy tín nhất cả nước.

Thành thì khác, vừa ra trường đã xin vào thử việc trong một tờ báo lớn. Do không chịu đựng được áp lực bài vở nên không bao lâu Thành xin nghỉ việc nhảy sang làm báo mạng. Thời buổi của những sự kiện giải trí lên ngôi đã giúp Thành kiếm cơm từ ngòi bút một cách dễ dàng. Vốn cao ráo, đẹp trai lại có tài ăn nói, Thành được phụ trách dự những buổi họp báo ra mắt sản phẩm âm nhạc, phim ảnh. Được có cơ hội tiếp cận với nhiều ca sĩ, diễn viên nổi tiếng. Từ đó, Thành nhận được những phong bì lót tay viết bài cho chiến dịch PR của một “ngôi sao” nào đó. Trong lúc Kha chui rúc trong rừng nguyên sinh nhằm mai phục bằng được cảnh lâm tặc tàn phá rừng thì Thành tặc lưỡi bán rẻ ngòi bút cho một cô ca sĩ chuyên giật chồng người...

***                                                  

Hôm qua lúc đang hí hửng với đống quà mà các công ty giải trí, các người đẹp chịu chơi gửi đến nhân ngày báo chí thì Thành gặp lại Kha. Kha rủ:

- Lâu ngày không gặp nhau làm mấy ly không?

- Tưởng hôm nay được chúc tụng nhiều quá ông phải sợ bia rượu chứ?

- Bao năm nay vẫn vậy. Tôi ngại các cuộc họp hành khen thưởng chúc tụng nhau lắm. Cả năm vất vả lặn ngụp khắp nơi rồi. Cứ ngày này là tự thưởng cho đầu óc mình được thảnh thơi. Gặp ông ở đây, tự nhiên lại muốn ngồi lai rai tâm sự.

Quán vỉa hè mát rượu. Trong lúc đợi đồ nhắm Kha ngồi ngả người vào ghế tay gõ theo nhạc bài hát vọng ra từ quán cà phê bên cạnh. Kha khác xưa nhiều quá. Thời gian nhuộm da Kha một màu đen đúa. Khuôn mặt găm đầy trăn trở. Cái trăn trở của một người làm báo trước thời thế. Cái đau đáu của một người luôn đi tìm sự thật được che đậy kỹ. Thành giật mình tự hỏi đã bao lâu rồi mình không có thứ trăn trở ấy? Tự nhiên Thành xấu hổ khi thấy mình béo trắng, ăn mặc quá chỉn chu, dùng điện thoại đắt tiền, đi xe đẹp. Dĩ nhiên không phải tất cả mọi thứ đều từ tiền nhuận bút hay phong bì lót tay. Thành thừa khôn ngoan tận dụng mối quen biết với các người đẹp để tạo ra các mối làm ăn khác. Không thế làm sao lo được cho vợ con đủ đầy như bao người khác. Làm báo chỉ là mượn cái danh để kiếm kế sinh nhai. Mặc kệ thiên hạ thỉnh thoảng lại sồn sồn chửi “đồ đĩ bút”. Thỉnh thoảng trong cơn say Thành cũng tự nguyền rủa chính mình.

- Cuộc sống của ông ổn chứ?

- Ừm. Người ngoài nhìn vào thấy ổn. Còn tôi thì thấy mình lúc ổn lúc không.

- Lúc nào ổn? Lúc nào không?

- Giả dụ như lúc này, khi gặp lại ông thì sẽ không thấy ổn. Vì ông khiến tôi nhớ đến giấc mơ về những cánh chim. Mà đời tôi thì… chọn nhầm chân trời để bay. Vậy làm sao có thể kiêu hãnh được?

- Cuộc mưu sinh này vốn quá đỗi nhọc nhằn. Nên sống lương thiện đã là tốt rồi. Đừng cay nghiệt với bản thân quá.

- Ừ mà thôi. Ông nói chuyện gì vui hơn đi. Dạo này có đề tài nào hay không?

Như chạm đúng mạch, Kha ngồi nói say sưa về những mảnh đất từng đi, những số phận mình từng gặp. Với Kha thì không chỉ nỗi oan khuất của con người mới cần được lắng nghe và lên tiếng đấu tranh. Một con đường bị tàn phá, một dòng sông ô nhiễm, những hàng cây sợ hãi trước nhát rìu… Tất cả chúng đều bật lên tiếng kêu cứu ráo riết khiến Kha mất ăn mất ngủ. Hồi những hàng cây trong thành phố đồng loạt bị chặt Kha đã bị mất ngủ nhiều đêm. Kha nhớ hàng cây từng che nắng cho mình, từng vắt cạn mình để xanh đến kiệt cùng giữa nắng nóng và khói bụi. Như nhớ dòng sông quê hương từng trong vắt mát lành, giờ đen ngòm hôi thối... Đang kể bỗng nhiên Kha im lặng, rót thêm rượu vào ly. Mắt Kha đỏ ngầu không biết vì men rượu hay vì điều gì khác. Thành nén tiếng thở dài, buông thõng người hít hà mùi lá non trên những vòm cây.

Thành trở về nhà. Lời của Kha vang lên trong đầu: “Tôi thường nghe thấy những tiếng kêu cứu vang lên đâu đó. Đời làm báo cực khổ không sợ. Chỉ sợ mình xông pha mà vẫn không suy chuyển được gì. Như là gắng sức kêu cứu mà không ai lắng nghe”. Giờ thì Thành nghe thấy tiếng kêu cứu trong chính tâm hồn mình. Hình như cái tôi trong Thành đang trỗi dậy. Nó đòi quyền được sống một cuộc đời có nghĩa…

BÙI MAI