Người dân tại thủ đô Jakarta, Indonesia đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. Ảnh minh họa: THX/TTXVN 

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh quốc gia này phải đối mặt với sự bùng phát của các ca bệnh mới và nền kinh tế sụt giảm.

Các biện pháp hạn chế đi lại, bao gồm việc đóng cửa các trung tâm mua sắm và lệnh làm việc tại nhà đối với những người lao động không thiết yếu tại các đảo Java, Bali, cũng như 15 thành phố khác trên khắp quốc gia này, theo kế hoạch dự kiến sẽ được kết thúc vào ngày 20/7.

"Việc đi lại giảm không cho thấy sự giảm sút trong các trường hợp nhiễm bệnh. Chúng tôi đang đánh giá liệu có cần gia hạn thêm hay không", ông Luhut Panjaitan, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề hàng hải và đầu tư của Indonesia nói trong một cuộc họp báo trực tuyến.

Được thúc đẩy bởi sự lây lan của biến thể Delta, Indonesia đã báo cáo số lượng ca nhiễm COVID-19 mới nhiều hơn so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, theo số liệu từ mức trung bình 7 ngày mới nhất của ​​một chương trình theo dõi của Reuters. Bên cạnh đó, Indonesia cũng đứng thứ 2, chỉ sau Brazil về số người tử vong do dịch bênh này trên thế giới.

Vào ngày 17/7, Indonesia đã ghi nhận 51.952 ca nhiễm mới và 1.092 trường hợp tử vong mới. Tỷ lệ chủng ngừa của Indonesia ở mức 6% trên dân số 270 triệu người.

Trong một động thái liên quan, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á hồi đầu tháng này đã hạ triển vọng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm, có tính đến các biện pháp hạn chế.

Phát biểu trong cuộc họp báo nói trên, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani cho rằng, Indonesia sẽ mở rộng ngân sách phục hồi COVID-19 lên mức 744,74 nghìn tỷ rupiah (tương đương 51,38 tỷ USD), từ mức 699,43 nghìn tỷ rupiah.

Trong bối cảnh Indonesia nhiều lần báo cáo số lượng các ca nhiễm và ca tử vong do COVID-19 cao kỷ lục trong những tuần gần đây, quốc gia này đang trở thành “tâm chấn” mới của đại dịch tại khu vực châu Á, theo các chuyên gia y tế.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Reuters)