Bộ Y tế Singapore kêu gọi người già và người chưa tiêm chủng “ở nhà càng nhiều càng tốt”. Ảnh minh họa: Báo Nhân dân
Bộ Y tế Singapore cho biết: “Trước những lo ngại về khả năng lây lan trong cộng đồng, chúng tôi đặc biệt khuyên những ai chưa được tiêm chủng, đặc biệt là người cao tuổi nên ở nhà càng nhiều càng tốt trong vài tuần tới. Chúng tôi kêu gọi mọi người liên hệ với những người thân lớn tuổi, hoặc hàng xóm của mình, những người vẫn chưa được tiêm chủng để xem họ có cần hỗ trợ gì, chẳng hạn như mua nhu yếu phẩm hằng ngày”.
Bộ Y tế Singapore cũng thông tin, họ “đặc biệt lo ngại” rằng người cao tuổi và những người chưa được tiêm chủng vaccine có thể bị nhiễm bệnh tại các khu chợ ẩm ướt - nơi các ca nhiễm COVID-19 đã được phát hiện trong những ngày gần đây.
Tuyên bố được triển khai trong bối cảnh 4 người cao tuổi chưa được tiêm chủng đã được xác nhận nằm trong số các bệnh nhân nhiễm COVID-19 mới trong ngày 18/7.
Cùng với thông tin về số bệnh nhân nhiễm bệnh, cũng có thông tin cho biết rằng tất cả các ca nhiễm đều được phát hiện nhờ phản ứng chuỗi polymerase (PCR).
Ngoài ra, kể cả khi họ đã được tiêm chủng, người cao tuổi vẫn nên tránh đến những nơi đông người hoặc giao lưu rộng rãi.
“Hãy nhớ rằng những ai đã được tiêm chủng đều có thể tái nhiễm bệnh, mặc dù những bệnh nhân này thường chỉ gặp các triệu chứng nhẹ. Vì vậy, nếu không cẩn thận, họ có thể vô tình mang mầm bệnh, virus về nhà cho những người cao tuổi sống cùng”, Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong, đồng chủ tịch lực lượng đặc nhiệm COVID-19 cho biết.
Để đảm bảo an toàn, những người cao tuổi chưa được chủng ngừa được khuyên nên thực hiện các khuyến nghị càng sớm càng tốt.
Ông Lawrence Wong cũng kêu gọi mọi người tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình khi ra ngoài trong mùa dịch, bao gồm cả việc giữ gìn tốt vệ sinh cá nhân và đảm bảo giãn cách xã hội.
“Bằng cách giảm di chuyển và giảm tương tác xã hội, mọi người mới có thể giảm nguy cơ nhiễm virus và phát triển bệnh trở nặng. Vui lòng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa cho đến khi được tiêm chủng đầy đủ”, Bộ trưởng Lawrence Wong nhấn mạnh.
Bắt đầu từ ngày 19/7, quy mô hoạt động của các trung tâm bán hàng rong, khu ẩm thực và các tiệm cà phê sẽ giới hạn xuống còn 2 người. Bộ Y tế cũng cam kết sẽ thắt chặt các biện pháp để “quản lý tốt hơn” việc người dân đến các khu chợ bị ảnh hưởng bởi dịch kể từ ngày 19/7 trở đi.
Trong khi đó, để đối phó với sự lây lan của đại dịch COVID-19, Thái Lan đã công bố mở rộng các hạn chế chống dịch bao gồm hạn chế đi lại, đóng cửa các trung tâm mua sắm và ban hành lệnh giới nghiêm vào ban đêm cho thêm 3 tỉnh khi nước này báo cáo số ca bệnh mới kỷ lục ở ngày thứ ba liên tiếp.
Được biết, Thái Lan ghi nhận 11.397 ca nhiễm và 101 ca tử vong do COVID-19 vào ngày 18/7, nâng tổng số ca bệnh của nước này lên thành 403.386 trường hợp và 3.341 ca tử vong. Phần lớn là do đợt bùng phát dịch vào đầu tháng Tư, gây nên do sự lây lan nhanh của biến thể Alpha và Delta của COVID-19.
Về giờ giới nghiêm, khung giờ sẽ được áp dụng là từ 9h tối đến 4h sáng, áp dụng từ ngày 20/7 trở đi cho các tỉnh Chonburi, Ayutthaya và Chachoengsao.
Trong một diễn biến có liên quan, ở Anh, vào ngày 19/7, nước này sẽ chính thức chấm dứt hầu như hoàn toàn việc áp dụng các hạn chế phòng chống dịch. Trước thông tin này, các nhà khoa học lo ngại viễn cảnh về “một đại dịch COVID-19 kéo dài” có thể sẽ ngày càng tăng cao và rõ ràng hơn.
Mặc dù Anh đã triển khai đợt tiêm chủng quy mô lớn cho dân chúng, song vẫn có hàng triệu người dễ bị tổn thương và những người phải gánh chịu các triệu chứng trong nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm cho biết rằng mối đe dọa về việc đại dịch COVID-19 kéo dài đang bị bỏ qua khi các nhà hoạch định chính sách tập trung vào các số liệu như số ca nhiễm và tử vong do dịch.
Đan Lê (Lược dịch từ CNA & Japan Times)