Đức vừa trải qua trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong hơn nửa thế kỷ qua. Ảnh: AFP/Laodong
Thực tế, thiên tai không phải là một vấn đề mới. Chúng đã xuất hiện từ rất lâu trước thời đại công nghiệp, khi con người bắt đầu đốt nhiên liệu hóa thạch ở quy mô lớn. Tuy nhiên, theo thời gian, nồng độ CO2 trong khí quyển đã tăng gấp đôi, làm tăng nhiệt độ của Trái đất thêm 1 độ C. Hậu quả là tần suất và cường độ thiên tai diễn ra lớn hơn. Trong bối cảnh đó, những gì chúng ta cần là các biện pháp giảm thiểu sự biến đổi khí hậu, cùng với các bước để thích ứng với một hành tinh đang ấm lên.
Theo đó, chúng ta nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn. Việc cấu hình lại các thành phố có thể hữu ích, chẳng hạn bằng cách đảm bảo không khí có thể luân chuyển hợp lý trong các kết cấu đô thị. Giữ gìn và phát triển không gian xanh cũng có thể giúp hạ nhiệt độ khi các kết cấu bê tông và bề mặt nhựa đường hầm hập sức nóng.
Bên cạnh đó, rất nhiều công cụ đã được thử nghiệm để đối phó với lượng mưa lớn và lũ lụt. Theo các chuyên gia, đê, đập và các lưu vực trữ nước có thể làm giảm nguy cơ lũ lụt kinh hoàng hơn nữa. Các bãi bồi cũng được xem như một biện pháp phòng ngừa an toàn bổ sung.
Trong khi đó, bãi biển Miami đang thực hiện các hành động khẩn cấp để tránh lũ lụt khi mực nước biển dâng cao và bão mạnh. Các nhà chức trách ở đó đang nỗ lực để nâng cấp thành phố và lắp đặt mạng lưới các đường ống ngầm, cũng như các máy bơm nước công suất lớn.
Những biện pháp này được coi là những bước đi hữu hiệu. Mặc dù chúng sẽ không hoạt động như “một loại thuốc chữa bách bệnh” và bảo vệ chúng ta khỏi mọi sự tàn phá do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gây ra, nhưng chắc chắn chúng có thể giúp giảm thiểu thiệt hại.
Quan trọng nhất, chúng ta cần cắt giảm lượng khí thải CO2 và nâng cao nhận thức về cách tự bảo vệ mình trước những tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu.
TỐ QUYÊN
(Lược dịch từ Khmertimes)