Thầy Vũ Khắc Ngọc, Giáo viên môn Hoá học tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI. Ảnh: HM
Tác động của dịch bệnh…
Theo TS Nguyễn Thành Nam, Giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự: “Năng lực tự học là yếu tố quan trọng nhất. Học sinh từ trước đến nay đều học tập trong môi trường có tính kiểm soát. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, môi trường học tập thay đổi, dẫn đến sự phân tách lớn giữa hai nhóm học sinh có năng lực tự học tốt và chưa tốt”.
Như vậy, những học sinh không tự giác ôn tập tốt thì cũng ảnh hưởng đến kết quả học tập. Môi trường học tập trực tuyến cũng khiến học sinh chưa hoàn toàn thích ứng và chủ động.
Còn cô Hương Fiona, Giáo viên Tiếng Anh Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết: “Dịch bệnh buộc các nhà trường phải thay đổi liên tục hình thức giảng dạy từ học trực tiếp sang học trực tuyến, thời gian đầu cả thầy và trò đều gặp rất nhiều khó khăn. Đây là những khó khăn đầu tiên đối với học sinh trong việc ôn tập trước kỳ thi”.
Theo phân tích của các chuyên gia giáo dục, bên cạnh việc lo lắng ôn tập thì các thí sinh cùng gia đình cũng rất lo lắng cho việc chống dịch và đảm bảo sức khỏe. Một số địa phương không thể tổ chức xong việc thi tốt nghiệp THPT trong đợt 1, điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý thí sinh tại địa phương đó.
Đến nay, đợt 1 của kì thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã kết thúc được hơn 1 tuần. Nhưng như vậy chưa phải là hết những khó khăn cho các thí sinh trong việc tuyển sinh Đại học năm nay.
Ngoài những khó khăn về mặt chủ quan, lứa học sinh sinh năm 2003 và có thể là cả lứa học sinh 2004 (chuẩn bị lên lớp 12) trong năm học cuối cấp tới đây cũng phải đối diện với những thay đổi liên tục trong kì thi tuyển sinh vào các trường Đại học trên cả nước.
Trong hai năm gần đây, các trường Đại học ngày càng chủ động hơn với “bài toán” tuyển sinh, nhiều phương thức tuyển sinh kết hợp: Xét tuyển học bạ, chứng chỉ Tiếng Anh, bài thi đánh giá năng lực, bài kiểm tra tư duy... vừa tạo ra cơ hội và cũng là thách thức với học sinh. Việc lựa chọn trường cũng như lựa chọn hình thức xét tuyển, nguyện vọng cũng đặt ra những vấn đề rất lớn đối với thí sinh.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên môn Hóa học tại Hà Nội tâm sự: “Dịch bệnh diễn biến khó lường, việc lập kế hoạch học tập của học sinh gặp nhiều khó khăn. Nhiều học sinh chia sẻ cảm thấy bị rối vì không biết lựa chọn phương thức xét tuyển nào phù hợp. Các bạn thường mắc lỗi sai khi chọn các phương thức xét tuyển tiện nhất mà thường không quan tâm đến thế mạnh, năng lực của bản thân dẫn đến chọn sai phương thức xét tuyển. Cũng có trường hợp học sinh lại “đặt cược” vào một phương thức xét tuyển. Việc lựa chọn như vậy cũng làm hạ thấp khả năng trúng tuyển”.
Mặt khác, theo phân tích của nhiều giáo viên, đối với những phương thức xét tuyển với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, học sinh cũng cần đầu tư thời gian và lựa chọn “điểm rơi phong độ” phù hợp để tham gia dự thi sao cho có kết quả tốt nhất. Quan trọng nhất là việc sắp xếp thời gian ôn tập tiếng Anh để thi chứng chỉ cùng với việc học các môn trên lớp.
Phải có lộ trình ngay từ bây giờ
Do vậy, để rút kinh nghiệm đối với thí sinh tuyển sinh vào các trường đại học trong hoàn cảnh dịch bệnh như hiện nay, các thầy cô giáo cũng lưu ý học sinh, nhất là những bạn sắp lên lớp 12 cần có các mục tiêu cụ thể. Đó là, với lực học của mình cần xác định khối thi, trường thi và từ đó, trên cơ sở mức điểm chuẩn (của các năm trước cũng như dự báo) của các trường để xác định mục tiêu điểm số cho từng môn và mục tiêu điểm số tổng thể.
Theo TS Nguyễn Thành Nam, Giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự, để hạn chế tối đa những rủi ro về mặt xét tuyển, thời điểm này, học sinh chuẩn bị vào lớp 12 vẫn cần xây dựng lộ trình lấy kỳ thi tốt nghiệp THPT làm trọng tâm, ôn tập kiến thức cơ bản toàn diện và theo dõi thông tin điều chỉnh lại kế hoạch ôn tập theo phương thức xét tuyển mình mong muốn vào 4 - 5 tháng cuối trước khi kỳ thi diễn ra, có như vậy mới giúp tối ưu hóa điểm số và tăng khả năng trúng tuyển vào các trường đại học mong muốn.
Những thí sinh chưa thi tốt nghiệp THPT năm nay còn 3 tuần để thực hiện ôn tập các kiến thức cuối cùng. Thí sinh đã thi xong cũng cần lưu ý lựa chọn nguyện vọng sau khi biết điểm thi cũng như dự báo mức điểm chuẩn của ngôi trường mình mong muốn.
Những khó khăn cũng như kinh nghiệm, giải pháp nêu trên vẫn hết sức thiết thực cho các học sinh sắp lên lớp 12 (sinh năm 2004) sắp tới trong khi tình hình dịch bệnh phức tạp và còn có thể kéo dài như hiện nay. Thậm chí, lứa học sinh này có thể có đến 3 năm học THPT đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Theo Tin tức TTXVN