Không chỉ em mà hai dãy trọ với 40 phòng, phòng nào cũng nhận được bì củ quả như thế của anh chủ. Rồi từ mấy đợt dịch trước đến nay, hễ nghe có địa phương khác có dịch là anh lại giảm 50% giá phòng trọ. Ai có khó khăn gì anh cũng giúp. Đêm hôm có người ốm gọi điện là anh tức tốc đến hỗ trợ chở đi cấp cứu ở bệnh viện. Đó cũng là lý do em gắn bó với xóm trọ này hơn 4 năm kể từ khi ra trường và dự định chỉ chuyển đi khi “được chồng rước”. Ở đây một thời gian em còn biết ai đã đến đây trọ thì ở lâu dài. Họ chỉ chuyển đi khi lấy vợ, lấy chồng và có nhà mới hoặc người sang nước ngoài định cư. Em thế chỗ vào trọ vì có cặp vợ chồng sang nước ngoài định cư theo diện đoàn tụ gia đình. Nếu không cũng chưa chắc gặp được chỗ tốt như thế. Là em trả lời khi tôi hỏi về cuộc sống của người TP. Hồ Chí Minh trong những ngày giãn cách.
Dù ở trọ, nhưng những người miền Tây như em và cũng không ít người miền Trung ở đây vẫn ổn. Họ vẫn được nhận hỗ trợ từ chính quyền, các đoàn thể rồi từ quê hương. Mà ai không có cũng được anh chủ hỗ trợ. “Không ai đói đâu chị ạ!” Câu kết của em khiến tôi cảm thấy ấm lòng hơn, khi ở giữa tâm dịch tình người càng thêm ấm áp.
Tôi biết, vẫn có rất nhiều người tha hương kiếm sống nơi quê người chưa may mắn, chưa gặp được anh chủ trọ tốt bụng như em. Có người cũng đang chật vật nơi phòng trọ bức bí, đang loay hoay để nghĩ cách trả tiền trọ, đang mong chờ những bữa cơm từ thiện, những gói quà hỗ trợ từ những nhà hảo tâm khi thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội. Thế nên, danh sách đăng ký để được về quê dù phải cách ly vẫn dài hơn nhiều so với số lượng mà tỉnh có thể đón ban đầu. Bạn tôi là một trong những người trong nhóm hỗ trợ người đăng ký về Huế bảo, kể từ khi công bố đường dây nóng, điện thoại bạn “cháy máy”, luôn luôn trong tình trạng vừa sạc, vừa nghe. “Nhưng biết làm sao được, phải ưu tiên trước cho người già, trẻ em, người bệnh tật, phụ nữ có thai. Những trường hợp khác chịu khó đợi thêm một chút nữa rồi ai cũng được về quê”, bạn đăng trên facebook cá nhân của mình.
Hẳn là trong dịch bệnh, khi phải ngồi một chỗ mà nguy cơ thiếu đói cận kề, ai cũng muốn được trở về quê hương, trở về với gia đình, để được ăn chén cơm quê nhà. Có người dù chưa tới mức đó nhưng cũng muốn về quê, bởi: “Huế yên bình quá, muốn được hít thở không khí trong lành, muốn được ngồi thư thái nơi quán cà phê ven sông như ảnh một bạn ở Huế vừa đăng tải trên facebook. Nguyện vọng chính đáng đó có lẽ trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, nói như bạn tôi là: Cố đợi thêm chút nữa khi dịch bệnh bớt căng thẳng hơn.
Không về quê lúc này ta về lúc khác, không uống cà phê lúc này lúc khác ta cũng có thể uống mà có khi còn vui vẻ, thư giãn hơn. Như việc kiếm tiền dù quan trọng thế, nhưng với anh bán rau có tên là Minh “Râu” ở TP. Hồ Chí Minh bảo: Kiếm cả đời mà có phải lúc dịch mới kiếm đâu - đang là “hottrend” trên mạng xã hội. Chưa rõ thực hư câu chuyện ra sao, nhưng ít ra câu chuyện cũng đã truyền đi thông điệp về cách sống tử tế, khi một số mặt hàng rau củ quả tươi đang bị đẩy giá thì anh vẫn giữ nguyên giá bán và còn tặng nếu ai đó “sin” (xin) - lỗi chính tả là đặc sản của anh này - như một cách đùa dễ thương với anh tiểu thương chất phác của cư dân mạng.
Thế nên, điều quan trọng nhất lúc này là giữ cho bản thân an toàn trước dịch bệnh. Vì khi mình an toàn, gia đình mình an toàn thì xã hội mới an toàn. An toàn rồi thì việc gì cũng có thể làm được, sá chi là những nhu cầu bình thường đó. Tất nhiên là sẽ có không ít khó khăn cho người chọn ở lại, “ở yên một chỗ”, song chính quyền và các đoàn thể, quê hương... đang nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau, khi mà từng chuyến xe tải đầy ắp hàng hoá thực phẩm thiết yếu từ Huế và các tỉnh miền Trung đang từng ngày nối đuôi nhau hướng về TP. Hồ Chí Minh.
Hồng Tâm