Lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc tham dự hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 21. Ảnh minh họa: Chinhphu.vn

Kể từ khi mối quan hệ này bắt đầu vào tháng 7/1991, kim ngạch thương mại song phương đã tăng từ dưới 8 tỷ USD lên hơn 680 tỷ USD vào năm 2020. Với nền tảng vững chắc như vậy, hai bên đã cam kết tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực để mở ra một chương mới trong sự phát triển và thịnh vương chung giữa ASEAN và Trung Quốc.

Cụ thể, khu công nghiệp Rayong Thái – Trung ở tỉnh Rayong của Thái Lan là một công trình nhỏ và là thành quả của mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Được thành lập vào năm 2006 và hiện là trụ sở của 160 công ty nước ngoài, công ty tự hào có 40.000 lao động, phần lớn làm việc trong ngành ôtô, điện tử và máy móc.

Tập đoàn Himile, một nhà cung cấp khuôn lốp có trụ sở tại Trung Quốc đã chọn khu vực này để đặt nhà máy vào năm 2004.

“Hầu hết những khách hàng của chúng tôi, những nhà sản xuất lốp xe hàng đầu thế giới đã xây dựng cơ sở sản xuất của họ ở các nước ASEAN. Chúng tôi muốn tiến gần hơn đến với khách hàng của mình... để phục vụ thị trường Đông Nam Á”, Qui Jinliang, giám đốc điều hành chi nhánh Thái Lan của Himile cho hay.

Với hơn 650 triệu người tiêu dùng và là trung tâm của chuỗi cung ứng cho các ngành công nghiệp lớn, ASEAN đang trở thành thị trường chiến lược quan trọng đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Thương mại Siam của Thái Lan cho biết trong một báo cáo nghiên cứu.

Năm 2020, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào các nước ASEAN đã tăng 52,1% so với cùng kỳ năm 2019, chống lại xu hướng giảm toàn cầu. Trong khi đó, các nhà đầu tư ASEAN cũng tiếp tục nhìn thấy tương lai và cơ hội khả quan ở Trung Quốc nhờ sự phục hồi vững chắc sau đại dịch và mô hình phát triển mới về “lưu thông kép”, với đầu tư của khối vào Trung Quốc đại lục tăng 50,7% trong nửa đầu năm 2021.

Nhờ Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc – ASEAN (CAFTA), nhiều mặt hàng từ các nước ASEAN như nông sản bao gồm xoài, sầu riêng, cà phê, đến các sản phẩm sơ cấp và trung cấp như cao su và giấy đã và đang được đưa vào thị trường Trung Quốc. Năm 2020, Trung Quốc và ASEAN lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhau.

Cụ thể, vào tháng 5 vừa qua, Campuchia đã trực tiếp xuất khẩu lô xoài tươi đầu tiên sang Trung Quốc như một phần của việc tăng cường hợp tác nông nghiệp giữa hai nước.

Bộ trưởng Nông – Lâm – Ngư nghiệp Campuchia Veng Sakhon dự kiến, lượng xoài tươi xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ đạt 100.000 tấn trong năm 2021 nay.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Trung Quốc, trong đó bao gồm tăng cường xuất khẩu sản phẩm của chúng tôi đến thị trường Trung Quốc”, Bộ trưởng Veng Sakhon cho hay.

Có thể nhìn thấy rõ rằng, thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN vẫn duy trì được mức tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021. Điều này được minh chứng rõ nhất khi chỉ trong 6 tháng đầu năm, thương mại hai bên đã tăng 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vào tháng 11/2020, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được ký kết bởi 15 quốc gia, bao gồm ASEAN và 5 nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, tạo ra một khu vực thương mại rộng lớn chiếm 30% tổng sản phẩm quốc nội, thương mại và dân số thế giới.

Chheang Vannarith, Chủ tịch Viện tầm nhìn Châu Á có trụ sở tại Phnom Penh cho biết, RCEP sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực, bởi hiệp định sẽ giảm tải hơn nữa các thương mại rào cản, mở rộng thị trường khu vực và tăng cường chuỗi cung ứng.

Đan Lê (Lược dịch từ Xinhua News)