Hội Bảo trợ NKT&TMC trao vốn cho các hộ gia đình
Ông Phạm Bá Vương, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh cho biết: Sau thành quả từ các dự án vay vốn trước đó, hiện nay với gần 250 triệu đồng từ các nguồn tài trợ, hội đã cho hơn 70 hộ gia đình có người khuyết tật và nuôi trẻ mồ côi của 4 phường trên địa bàn TP. Huế vay vốn để làm ăn, phát triển kinh tế, bao gồm phường Phường Đúc, phường Hương Sơ, phường Tây Lộc, phường Thuận Thành (hiện là phường Đông Ba). Mục đích của nguồn vốn vay là giúp NKT và gia đình nuôi trẻ mồ côi cải thiện hoạt động sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, buôn bán nhỏ để giảm bớt phần nào khó khăn. Đây cũng là một trong những hoạt động quan trọng của hội.
Tại phường Phường Đúc, chị Lê Thị Lan là một trong 30 hộ vay vốn ưu đãi của Hội Bảo trợ NKT&TMC. Xúc động trước sự hỗ trợ của hội, chị Lan chia sẻ: “Gia đình tôi gặp khó khăn do con trai bị khuyết tật thần kinh. Cách đây 5 năm chồng lại mất vì bệnh. Hơn 20 năm gắn bó với nghề làm tóc, nhưng kinh tế gia đình vẫn không khá lên là mấy do thiếu vốn đầu tư máy móc, cuộc sống vô cùng túng quẫn”.
Khi được tạo điều kiện vay 4 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi, chị Lan đã mua sắm thêm dụng cụ, dầu gội, thuốc nhuộm cho tiệm làm tóc nhỏ tại nhà. Chị bộc bạch: “Có thêm máy đồng nghĩa với thêm lựa chọn cho khách hàng. Chứ nhiều khách đi đám cưới, dự tiệc cần uốn hay kéo tóc mà tôi không đáp ứng được thì họ sẽ tìm nơi khác”.
Dù dịch COVID-19 ảnh hưởng đến doanh thu nhưng chị vẫn tự tin tiếp tục công việc. Cũng như nhiều hộ gia đình được vay vốn tại phường, sự tự tin của chị đến từ tính bền vững của công việc và cách trả lãi linh động của nguồn vốn vay.
Bà Đoàn Thị Bình, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Phường Đúc cho biết, thời gian xoay vòng vốn là một năm. Lãi suất 0,3%/tháng, trả cả lãi và vốn qua 12 kỳ (mỗi tháng trả lãi một lần và 1/12 tiền vốn vay). “Vì vậy ban đầu số hộ vay chỉ đếm trên đầu ngón tay, sau này nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế tăng lên, từ nguồn 30 triệu đồng, đến nay vốn vay tăng lên 109 triệu đồng và có 10 hộ vay kinh tế ổn định đã không cần vay vốn nữa”, bà Bình cho biết.
Gia đình ông Trương Văn Phương là một trong những hộ vay điển hình, dùng nguồn vốn vay ưu đãi để ổn định sinh kế. Bản thân là người khuyết tật vận động, không chịu đầu hàng số phận, ông Phương học nghề may để mưu sinh. Sau khi nhận vốn, ông đầu tư máy may công nghiệp, vải vóc để tăng năng suất và hiệu quả công việc. “Qua 4 đợt vay đến nay cuộc sống của tôi đã ổn định, không cần vay vốn nữa. Tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều người khuyết tật được vay vốn ưu đãi, đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả để từng bước vươn lên trong cuộc sống", ông Phương chia sẻ.
Bên cạnh nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sinh kế, ông Phạm Bá Vương cho biết, Tỉnh hội đã vận động các nguồn lực tổ chức xã hội, mạnh thường quân nhằm trợ giúp cho người khuyết tật, trẻ mồ côi. Riêng trong năm 2020, hơn một nghìn người khuyết tật đã được hội hỗ trợ thăm khám, cấp phát thuốc miễn phí. Hơn 350 xe lăn, xe lắc và hàng nghìn suất quà đã kịp thời được trao đến tay NKT&TMC trong mùa dịch, lũ lụt, tạo động lực trợ giúp người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu vay, trả lãi linh hoạt để phát triển hoạt động sản xuất của người yếu thế, nguồn vốn vay ưu đãi của Hội Bảo trợ NKT&TMC còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế địa phương. Được luân chuyển linh hoạt, chủ động, dù không lớn nhưng vốn vay ưu đãi đã giúp hàng trăm hộ gia đình tăng thu nhập, phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bài, ảnh: Mai Huế