Đại biểu Lê Hoài Trung tham gia đóng góp ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022. Ảnh: Vương Linh

Vừa giám sát vừa hỗ trợ

Theo đại biểu Lê Hoài Trung, trước tác động rất lớn của đại dịch COVID-19 hiện nay, năm 2022 trên thực tế gần như là năm bắt đầu của thực hiện đường lối của Đại hội XIII của Đảng và gần như là năm bắt đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2021- 2025. “Năm 2021 này là năm khởi đầu nhưng chúng ta bị tác động rất lớn của tài chính, Chương trình giám sát của chúng ta làm sao thể hiện được 2 vấn đề.

Thứ nhất, thể hiện việc phòng chống dịch COVID-19. Vào năm 2022, việc khắc phục những hậu quả, những tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội, nâng cao khả năng ứng phó những "sự cố" tương tự trong thời gian tới như thế nào?.

Thứ hai, cần phải làm gì về phát triển kinh tế - xã hội, về hội nhập quốc tế để thực hiện mục tiêu đề ra là đến năm 2025 chúng ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại và thu nhập vượt mức trung bình thấp. Giám sát ở đây không chỉ phát hiện những gì chưa đúng, mà còn thấy được những gì Quốc hội và hệ thống chính trị có thể làm để hỗ trợ các cơ quan, trong đó có các cơ quan của Chính phủ".

Đại biểu Lê Hoài Trung cho rằng, không nhất thiết tiến hành một giám sát chuyên đề nhưng nội dung giám sát phải phản ánh được nhiều hơn trong các hoạt động liên quan đến giám sát. Ví dụ như trong kỳ họp thứ ba có đề ra hay là kỳ họp sắp tới, ngay cả kỳ họp cuối năm của Quốc hội. Đại biểu đề nghị, việc nhìn thấy hết tác động của đại dịch và các biện pháp khắc phục, các biện pháp phòng, chống nhằm thực hiện 2 mục tiêu là phát triển bền vững, phục hồi bền vững sau đại dịch và đồng thời thực hiện mục tiêu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng rất là quan trọng. Nhất là làm sao hỗ trợ cho các cơ quan của nhà nước, các địa phương, doanh nghiệp, người dân, các tầng lớp của xã hội trong tình hình hiện nay.

4 chuyên đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét

Theo tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao, 2 chuyên đề giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát:

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 (dự kiến giao Ủy ban Tài chính, ngân sách chủ trì tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật quy hoạch được ban hành (dự kiến giao Ủy ban Kinh tế chủ trì tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 3: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021 (dự kiến giao Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 4: Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 (dự kiến giao Ủy ban Pháp luật chủ trì tham mưu về nội dung).

Trong quá trình triển khai xây dựng chương trình giám sát, một số nội dung được nhiều cơ quan đề xuất nhưng sau khi cân nhắc nhiều mặt, chưa được lựa chọn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình cụ thể như trong tờ trình đầy đủ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Thái Bình (thực hiện)